Dùng toán học để tăng khả năng phòng lũ

(Dân trí) - Trước tình hình lũ lụt ngày càng nghiêm trọng thì với những nghiên cứu và áp dụng tại thủy điện Sơn La và tiếp đến Lai Châu của Hội Ứng dụng toán học Việt Nam đang đặt vấn đề có nên nhân rộng trên toàn quốc để hạn chế thiên tai?

Dùng toán học để tăng khả năng phòng lũ - 1
Hệ thống thủy điện 3 bậc thang sẽ tăng khả năng phòng lũ
 
Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, vùng Đông Nam Á, trong đó có  Việt Nam ngày càng dữ dội, như trận bão lụt vừa qua ở miền Trung là một điển hình.
 
Theo các nhà khoa học trong nước, nhằm hạn chế thiên tai này cần giải quyết 2 loại bài toán về thiết kế và quy trình vận hành của các hồ chứa nước và thủy điện đóng một vai trò quan trọng.
 
Năm 2002, Hội Ứng dụng toán học (ƯDTH) Việt Nam ngay khi vừa thành lập đã thực hiện đề tài “ứng dụng mô hình toán học phục vụ công trình thủy điện Sơn La” (2002).
 
Mô hình bài toán thủy  điện đa tiêu chí đã giúp các nhà khoa học đưa ra nghiên cứu cho không phải 1 mà là “3 nhà máy thủy điện Hòa Bình” - Đó là hệ thống thủy điện bậc thang trên Sông Đà bao gồm Hòa Bình-Sơn La-Lai Châu (với tầm nhìn đến năm 2020).
 
Đáng chú ý, cũng liên quan đến thủy điện bậc thang Sông Đà này, Hội ƯDTH Việt Nam đã soạn thảo một cuốn sách (300 trang), gắn 5 bộ phần mềm ứng dụng VSAM 1-5, mang tên quốc tế (Vietnam Sociaty for Application of Mathematics).
 
Với bộ phần mềm ứng dụng này, theo tính toán của các nhà khoa học, trong tương lai, khi vận hành hệ thống thủy điện 3 bậc thang trên Sông Đà thì khả năng phòng lũ sẽ tăng gấp 2 lần, sản lượng điện tăng 1,12 lần (so với mức thiết kế). Rủi ro cũng có thể xảy ra, nhưng là rủi ro thấp nhất so với các cách vận hành khác (1 triệu năm tới chỉ có 1 lần).
 
Từ ngày 23 - 25/12/2010, Hội Ứng dụng Toán học Việt Nam và Bộ Công thương sẽ tổ chức Hội nghị Toàn quốc lần III về Ứng dụng Toán học tại Hà Nội.
 
Nhiều vấn đề quan trọng dự kiến sẽ được đưa ra tại đây như: Có nên sử dụng những kết quả trên để phòng chống thiên tai lũ lụt ngày càng gia tăng ở nước ta. Vì rằng ta có hiện nay không phải chỉ là vẻn vẹn 3 hồ thủy điện của thế kỷ 20 trước mà còn thêm Trị An, Xê Xan, Tuyên Quang, Kẻ Gỗ... và sắp tới là Sơn La, Lai Châu, Kon Tum và hàng loạt các hồ thủy điện nhỏ ở miền Trung.
 
Hay như với số hồ chứa tăng lên như vậy, có nên hiệu chỉnh các tham số thiết kế như cao trình của mực nước dâng bình thường, cao trình của mực nước phòng lũ...hoặc xây dựng những quy trình vận hành an toàn hợp lý hơn để tăng khả năng phòng lũ của hệ thống hồ chứa cho thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay…
 
Lan Hương