"Đứng tim" khi cổ phiếu bị bán ồ ạt cuối phiên, VN-Index giảm gần 24 điểm

Mai Chi

(Dân trí) - Nhiều cổ phiếu đóng cửa giảm sàn nhưng trong phiên vẫn có lúc được mua ở vùng giá tăng. Theo đó, những nhà đầu tư mua đuổi có thể đã thua lỗ hơn 7% và sẽ chịu áp lực tâm lý đáng kể.

Những tưởng VN-Index đã có thể thuận lợi vượt 1.300 điểm trong tuần này, tuy nhiên, phiên chiều hôm nay (10/6) đã trở thành nỗi thất vọng lớn của nhà đầu tư. Áp lực bán chốt lời ngắn hạn mạnh khiến các chỉ số cắm đầu lao dốc vào ít phút cuối phiên.

VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất, mất 23,72 điểm tương ứng 1,81% còn 1.284,08 điểm; VN30-Index mất 17,23 điểm tương ứng 1,28% còn 1.325,69 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 6,29 điểm tương ứng 2,01% còn 306,44 điểm; UPCoM-Index giảm 1,18 điểm tương ứng 1,24% còn 93,72 điểm.

Cầu bắt đáy giúp thanh khoản sàn HoSE tăng lên 16.957,23 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 603,29 triệu cổ phiếu. Con số này trên HNX là 86,92 triệu cổ phiếu tương ứng 2.088,02 tỷ đồng; trên UPCoM là 86,24 triệu cổ phiếu tương ứng 1.657,44 tỷ đồng. Tuy nhiên với việc chỉ số đóng cửa thấp cũng phản ánh lực bán đang áp đảo.

Đứng tim khi cổ phiếu bị bán ồ ạt cuối phiên, VN-Index giảm gần 24 điểm - 1

GAS, GVR, FPT... là những mã cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index phiên cuối tuần (Ảnh chụp màn hình).

Nhóm cổ phiếu đạt được đà tăng trưởng tích cực nhất trong thời gian vừa qua chính là những mã bị giảm mạnh nhất. Ở dòng dầu khí, GAS và PVT giảm sàn và trắng bên mua; PVS giảm 7,8%; PVC giảm 9,1%; PVB giảm 6%; PVD giảm 5,6%; BSR giảm 5,6%.

Cổ phiếu thủy sản nhiều mã giảm sàn như VHC, IDI, CMX, ANV; các cổ phiếu khác trong lĩnh vực thực phẩm cũng bị bán mạnh như ACL giảm sàn, FMC giảm 6,6%; ASM giảm 6,1%; NAF giảm 4,7%; HAG giảm 4,3%; SBT giảm 4,1%...

Cổ phiếu ngành hàng và dịch vụ công nghiệp cũng không tránh khỏi tình trạng bị bán chốt lời sau chuỗi thời gian tăng tích cực: HAH, VSC, REE, PVT giảm sàn và trắng bên mua; GMD giảm 6,8%; ABR giảm 5,9%; VOS giảm 5,7%...

Hai mã đầu ngành của dòng phân bón là DPM và DCM cũng giảm sàn, trắng bên mua; LAS giảm 6,7%; PCE giảm 5,8%; BFC giảm 5,7%; DDV giảm 3,8%; DHB giảm 2,3%.

Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi nhiều mã bị bán mạnh và giảm sâu. BSI giảm sàn về 29.400 đồng; VCI giảm 6%; SHS giảm 5,4%; CTS giảm 5,4%; VDS giảm 5,1%; BHS giảm 5,1%; ORS giảm 4,3%.

Đứng tim khi cổ phiếu bị bán ồ ạt cuối phiên, VN-Index giảm gần 24 điểm - 2

Cổ phiếu "họ" FLC bị bán mạnh (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu "họ" FLC phản ứng tiêu cực sau thông tin phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC sáng nay không đủ điều kiện để tổ chức. Theo đó FLC, ROS và HAI đồng loạt giảm sàn, AMD giảm 6,6%; KLF giảm 5,4%; ART giảm 7,3%.

Trên toàn thị trường có tới 775 mã giảm giá, 66 mã giảm sàn. Trong đó, những mã giảm mạnh nhất hầu hết là những mã đã có diễn biến tăng tích cực nhất trong thời gian vừa qua.

Ở chiều ngược lại, vẫn có 285 mã tăng giá, 34 mã tăng trần. Ngành xây dựng, vật liệu mặc dù có đà tăng chững lại so với phiên sáng nhưng vẫn có một số mã tăng giá tích cực. PXS tăng trần và không còn dư bán; LGC tăng 2,9%; HT1 tăng 1,7%. Một số cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản có diễn biến tích cực là SZL tăng 3%; ITA tăng 2,9%; FDC tăng 2,6%; NBB tăng 2,3%; KBC tăng 1,6%; SJS tăng 1,5%; TDH tăng 1,2% bất chấp thông tin bị truy thu thuế.

Nhìn chung, với diễn biến sụt mạnh bất ngờ vào cuối phiên thay vì "rút chân" hồi phục, những nhà đầu tư vội vàng đua lệnh trong phiên đã thiệt hại đáng kể. Nhiều cổ phiếu cuối phiên đóng cửa giảm sàn nhưng trong phiên vẫn có lúc được mua ở vùng giá tăng, theo đó, những nhà đầu tư mua đuổi có thể đã thua lỗ hơn 7% trong phiên và sẽ chịu áp lực tâm lý đáng kể do phải 3 phiên tới, cổ phiếu mới về tới tài khoản.