“Đừng nói về tiền tỷ”: Doanh nhân Hoàng Kiều không còn được xếp hạng “giàu thế giới”

(Dân trí) - Từng giàu nức tiếng với 3,8 tỷ USD trong tay chỉ ít năm về trước, khối tài sản của tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều “bốc hơi” dần theo thời gian và đến nay, vị doanh nhân 75 tuổi đã không còn được gọi tên trong danh sách người giàu thế giới 2019 của Forbes

Don't talk about stock. Don't talk about billions. You can be a billionaire today, and tomorrow you're not a billionaire” (Đừng nói về cổ phần hay tiền tỷ. Có thể hôm nay bạn vẫn là tỷ phú nhưng ngày mai thì không).

Doanh nhân người Mỹ gốc Việt Hoàng Kiều từng nói lên quan điểm trên tạp chí Forbes như vậy.

Và quả đúng thế, theo thời gian, giá trị tài sản của vị doanh nhân này thường xuyên thay đổi. Đến kỳ xếp hạng năm nay của Forbes, ông Hoàng Kiều đã chính thức bị “bật” ra khỏi xếp hạng người giàu thế giới – các tỷ phú USD của tạp chí này.

ty phu hoang kieu.jpg

Doanh nhân gốc Việt Hoàng Kiều (ảnh Forbes) 

Năm 2017, ông Hoàng Kiều từng giàu thứ 278 thế giới trước khi rớt xuống vị trí thứ 859 vào năm 2018 và chính thức bật ra khỏi danh sách người giàu thế giới vào đợt xếp hạng của năm 2019 này.

Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản của ông Hoàng Kiều đạt đỉnh vào năm 2015 khi tăng vọt lên 3,8 tỷ USD, lần đầu lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, sau đó giảm dần và chỉ còn 2,8 tỷ USD vào tháng 3/2018 và còn khoảng 1,6 tỷ USD vào tháng 10/2018.

Screen Shot 2019-03-06 at 10.39.32 AM.png

Biến động tài sản của ông Hoàng Kiều trong những năm qua

Vị doanh nhân 75 tuổi xuất thân nghèo khó tại Việt Nam rồi cùng gia đình nhập cư vào Mỹ năm 1975, khi hơn 30 tuổi.

Trong chặng đường mưu sinh, lập nghiệp tại Mỹ, ông Hoàng Kiều từng xuất phát với mức lương 1,25 USD/giờ. Tuy nhiên, sau đó, ông nhanh chóng được lựa chọn làm vị trí giám sát rồi làm quản lý tại Abbott Laboratories và sau đó trở thành giám đốc phụ trách kiểm tra các mẫu huyết tương tại công ty này.

Đến năm 1980, hãng sản xuất huyết tương Rare Antibody Antigen Supply (RAAS) do ông sáng lập ra đời và không ngừng mở rộng quy mô. Năm 1992, ông tiếp tục thành lập Shanghai RASS Blood Products. Công ty này hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến (Trung Quốc) và phần lớn tài sản của ông đến từ đây.

Năm 2014, vị tỷ phú này lấn sân sang lĩnh vực rượu vang với việc mua lại một nhà máy sản xuất rượu vang và các vườn nho tại Modavi, Napa Valley và được vận hành dưới cái tên Kieu Hoang Winery.

Năm 2015, ông trả 33 triệu USD mua lại khu Hummingbird Nest Ranch tại Simi Valley, vùng ngoại ô Los Angeles với dự định xây dựng một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại đây.

Ngoài việc kinh doanh, ông Hoàng Kiều còn từng gây chú ý trong mối quan hệ tình cảm với Ngọc Trinh – một người mẫu trẻ rất nổi tiếng trong giới showbiz Việt và được coi là “nữ hoàng nội y” ở Việt Nam.

Trên thực tế, không chỉ Hoàng Kiều mà trong năm vừa qua cũng chứng kiến có tới 247 người (tương đương 11%) bị loại khỏi danh sách người giàu thế giới. Số người mất danh xưng tỷ phú USD được cho là nhiều nhất kể từ năm 2009, thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng theo Forbes, đây là năm thứ 2 trong vòng 1 thập kỷ qua, danh sách thống kê những người giàu nhất thế giới giảm cả về số lượng tỷ phú và giá trị tài sản.

Có tổng cộng 2.153 tỷ phú USD trên thế giới, ít hơn 55 người so với 1 năm trước. Tổng tài sản các tỷ phú trong danh sách này đạt 8.700 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD với tháng 3/2018.

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có số lượng tỷ phú USD giảm mạnh nhất, ít hơn 60 người so với năm 2018. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã giảm tới 49 tỷ phú USD so với năm 2018.

Ngoài ông Hoàng Kiều thì trong đợt xếp hạng này của Forbes, một doanh nhân khác của Việt Nam là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hoà Phát cũng không còn nằm trong danh sách người giàu thế giới. Dù vậy, tài sản hiện tại của ông Long theo tính toán vẫn đạt khoảng 1 tỷ USD, hay nói cách khác, dù không xếp hạng như “vua thép” vẫn là “tỷ phú USD”.

Mai Chi

“Đừng nói về tiền tỷ”: Doanh nhân Hoàng Kiều không còn được xếp hạng “giàu thế giới” - 1