Đứng ngoài TPP, Trung Quốc thiệt gì?

Không phải là một thành viên sáng lập TPP, Trung Quốc mất đi cơ hội định hình một trụ cột quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu...

Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 tại thành phố Atlanta, Mỹ đánh dấu thắng lợi đối với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc nhằm định hình tương lai thương mại toàn cầu - tờ Wall Street Journal bình luận.

Theo nhận định của các chuyên gia, TPP với 12 thành viên, không bao gồm Trung Quốc, cho thấy cái giá mà Trung Quốc phải trả cho việc trì hoãn cải cách trong khi các quốc gia khác viết nên bộ quy tắc mới cho hoạt động thương mại trong 40% nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản xem TPP là chìa khóa để đạt tới các mục tiêu kinh tế và an ninh trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nơi Nhật Bản từ lâu là một nhà đầu tư và một nhà tài trợ lớn.

Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ quốc khánh kéo dài một ngày và giới chức nước này chưa đưa ra bình luận gì về TPP. Tuy vậy, hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 4/10 nói rằng đàm phán TPP “thiếu sự minh bạch”.

Một số nhà phân tích người Trung Quốc tiếp tục lặp lại quan điểm chỉ trích bấy lâu cho rằng Washington sử dụng TPP để cản bước Trung Quốc. “Liệu Trung Quốc có tham gia không? Liệu TPP do Mỹ dẫn đầu có nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc?”, giáo sư Feng Wei thuộc Đại học Fudan của Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo.

Mất nhiều cơ hội

Trước đây, Trung Quốc đã từng được mời tham gia TPP, nhưng Bắc Kinh không muốn phải tuân thủ nhiều quy định trong thỏa thuận này, bởi các quy định đó đòi hỏi Trung Quốc phải đẩy mạnh cải cách, chẳng hạn việc mở cửa thị trường tài chính.

Các chuyên gia cho rằng, không phải là một thành viên sáng lập TPP, Trung Quốc mất đi cơ hội định hình một trụ cột quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu, trong khi đây là một ưu tiên của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình.

“Vấn đề chính là liệu các cải cách trong nước của Trung Quốc có đạt tới mức độ đủ hay không? Nếu không, Trung Quốc sẽ phải theo sau Mỹ và mất đi cơ hội thiết lập luật chơi trong TPP”, ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, phát biểu.

TPP được cho là sẽ gây trở ngại cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập hướng đi cho khu vực. Những nỗ lực này bao gồm khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc đề xuất, và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh - một định chế đối thủ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do Nhật dẫn đầu.

Các quốc gia châu Á khác có khả năng sẽ tham gia TPP hơn là một khu vực thương mại do Bắc Kinh khởi xướng, trừ phi Trung Quốc mở cửa thực sự nền kinh tế của nước này - theo ông Masahiro Kawai, một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Chưa kể, không tham gia TPP, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng bỏ lỡ cơ hội tham gia một nhóm gồm nhiều quốc gia phát triển về công nghệ ở vào thời điểm mà Trung Quốc đang nỗ lực để thúc đẩy sáng kiến trong lĩnh vực công nghệ cao.

Giờ là lúc kinh tế Trung Quốc cần sức ép cạnh tranh từ các công ty nước ngoài để tạo ra lực đẩy cho chương trình cải cách đang rơi vào trì trệ - giống như sự bứt phá về năng suất mà Trung Quốc có được sau khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Cách đây hai năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố một chương trình cải tổ lớn nhằm trao cho thị trường ảnh hưởng lớn hơn, theo đó chặn đà suy giảm tăng trưởng và dịch chuyển nền kinh tế theo hướng dịch vụ và tiêu dùng thay vì sản xuất.

Tuy vậy, đến nay, tiến trình tái cơ cấu mới chỉ diễn ra rải rác và bị trì hoãn bởi sự phản đối của các doanh nghiệp quốc doanh, sự giảm tốc tăng trưởng mạnh, tình trạng nợ nần chồng chất của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, cũng như sự dư thừa công suất trong lĩnh vực địa ốc và sản xuất công nghiệp.

Kiến trúc thương mại còn non trẻ của Trung Quốc - bao gồm thỏa thuận song phương với Australia và Hàn Quốc, và một khu vực tự do thương mại khá khiêm tốn đang được đề xuất - khó có khả năng tạo ra được kỷ luật thương mại cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc của nước này, theo chuyên gia Shi.

“Sớm muộn cũng vào”

Tuy nhiên, nỗi lo “đứng ngoài” và cơ hội sử dụng sức ép bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước có thể giúp ích cho các nhóm ủng hộ cải cách ở Trung Quốc trong trung hạn, đồng thời có khả năng thúc đẩy tiến trình đàm phán một hiệp định đầu tư song phương Trung-Mỹ.

“Một trong những trở ngại chính đối với Trung Quốc hiện nay là làm thế nào phá vỡ được thế độc quyền của các công ty quốc doanh”, giáo sư Jing Huang thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá. “TPP có thể giúp ích cho các nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách của Trung Quốc, nhưng dĩ nhiên là họ không nói ra điều đó”.

Nhiều công ty Trung Quốc đã không ngồi đợi đến lúc Bắc Kinh hành động.

Ông Zhang Kui, tổng giám đốc công ty dệt may Bros Holding với nhiều nhà máy ở Trung Quốc, cho biết công ty này đã đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam, một thành viên TPP, từ năm 2012.

Theo ông Zhang, lương nhân công ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 60% so với ở khu vực phía Đông của Trung Quốc. Khoản đầu tư này cho phép Bros Holding xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang các nước thành viên TPP khác với thuế quan ưu đãi.

Nhưng theo các chuyên gia, cho dù Bắc Kinh có muốn tham gia TPP, thì việc đó cũng không phải là dễ dàng. Giáo sư Dali Yang thuộc Đại học Chicago nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy định của tổ chức này.

Ngay cả nhiều ý kiến từ bên trong Trung Quốc cũng thừa nhận hệ thống còn thiếu minh bạch của nước này khiến việc gia nhập TPP khó diễn ra trong thời gian sớm.

“Nền kinh tế Trung Quốc thực sự cần cải cách... Chẳng hạn, trong WTO, Trung Quốc đã không giữ lời hứa về lĩnh vực viễn thông, không cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chính trong ngành này”, ông Yang nói.

Mặc dù vậy, theo giáo sư Huang thuộc Đại học Singapore, Trung Quốc sẽ bắt đầu tìm cách gia nhập TPP trong vài năm tới, bằng cách vận động các nước châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ công nhận nước này là một nền kinh tế thị trường; từ từ cải cách doanh nghiệp quốc doanh; và thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư với Mỹ.

“Tôi không nghĩ là họ muốn gia nhập sớm, vì như thế là không thực tế. Nhưng quan điểm họ là “sớm muộn gì cũng vào”. Trung Quốc đang để ngỏ mọi khả năng”, ông Huang nhận định.

Theo An Huy
VnEconomy

Đứng ngoài TPP, Trung Quốc thiệt gì? - 1