Dừng mua sắm xe công trong năm tới
(Dân trí) - Năm 2014, ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng; đồng thời giảm 10% chi thường xuyên ngoài lương của các cơ quan, đơn vị so với dự toán năm 2013 và đặc biệt không bố trí mua xe công…
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ thu chi ngân sách trong bối cảnh được dự kiến là còn nhiều khó khăn của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, ngành Tài chính tích cực, nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành địa phương hoàn thành các chỉ tiêu ngân sách của năm 2014 như tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8%, cao hơn năm 2013, tạo đà để đến năm 2015 tăng trưởng đạt khoảng 6% trở lên; đồng thời vẫn phải kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 6,5-7%; ổn định tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư; đi đôi với việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Lưu ý việc thắt chặt chi ngân sách, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính ưu tiên chi cho các hạng mục cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; đặc biệt là hạn chế, khắc phục tình trạng đi công tác nước ngoài quá nhiều.
Thủ tướng nói: “Người ta thấy mình nghèo mà đi nhiều quá, hàng chục ngàn người mỗi năm. Do đó, năm 2014 Bộ Tài chính phải tính toán trên tinh thần quyết liệt thắt chặt việc này. Năm 2013, chúng ta cắt giảm chi 22.700 tỷ đồng nhưng không có đồng chí nào kêu do cắt giảm chi mà không hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ phát hành khoảng 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để chi đầu tư, và theo yêu cầu của Thủ tướng, việc phát hành này không làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát tăng và lãi suất tăng.
“Tôi tin ngành ngân hàng và tài chính phối hợp sẽ làm tốt nhiệm vụ này. Năm 2013, hai ngành đã làm rất tốt khi phát hành 300 nghìn tỷ đồng. Năm 2014, cố gắng thu được đúng kế hoạch thì sẽ giảm được bội chi, sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tham dự hội nghị của ngành Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá, việc đảm bảo bội chi ngân sách năm 2014 ở mức 5,3%, cùng với việc phát hành tăng thêm trái phiếu Chính phủ đặt ra một nhiệm vụ khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 7%.
Do đó, Thống đốc Bình đề nghị hai ngành Tài chính - Ngân hàng thắt chặt việc phối hợp trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và các công ty chứng khoán; quyết liệt hơn trong giữ vững kỷ cương tài chính, tạo tiền đề tốt để cải cách hệ thống doanh nghiệp.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết: Hiện nay, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn, như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc...
Về thu ngân sách năm 2014, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời xét đến yếu tố tác động do điều chỉnh chính sách thu, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2014 là 782.700 tỷ đồng.
Năm 2014, theo Bộ Tài chính sẽ tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng; ngoài ra, tiết kiệm (giảm) 10% chi thường xuyên ngoài lương của các cơ quan, đơn vị so với dự toán năm 2013; không bố trí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo qui định của pháp luật). Đồng thời, Bộ cũng sẽ yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm, không tăng biên chế, chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo…