Đừng để “nở rộ” ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (dự kiến ban hành kèm Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi) hiện vẫn chưa chốt con số cuối đang đặt ra yêu cầu cần sớm có cơ chế thống nhất trong xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Hồi tháng 7/2014, con số được Tổ rà soát ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra là 386. Tháng 8, con số này là 398. Số mới nhất là 425 và chắc chưa dừng lại khi đề nghị bổ sung từ nhiều bộ, ngành vẫn đang được gửi về.

 

Đừng để “nở rộ” ngành nghề kinh doanh có điều kiện
“Linh hồn” của Luật Đầu tư (sửa đổi), đó là ngoài luật này, không được quy định về ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Không khí cuộc đua hợp thức hóa đang manh nha, nhất là khi thời điểm khai mạc kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp dự kiến xem xét thông qua Dự án Luật Đầu tư, đang đến rất gần, đi ngược mục tiêu của việc rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, cũng như yêu cầu về công bố công khai danh mục này.

 

Phải nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về mục tiêu ban hành danh mục này với tư cách là “linh hồn” của Luật Đầu tư (sửa đổi), đó là ngoài luật này, không được quy định về ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.

 

Câu nói này đã chấm dứt những thờ ơ trước đó của rất nhiều bộ, ngành với việc góp ý vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều điều kiện mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải chủ động thống kê, rà soát và gửi các bộ, ngành để lấy ý kiến. Thậm chí, vào lúc này, không chỉ tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong các văn bản luật, nghị định, nhiều bộ, ngành còn tranh thủ tập hợp ngành nghề đang được dự thảo để đề nghị bổ sung vào danh mục…

 

Trong khi đó, công việc mà Tổ rà soát ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được giao không phải chỉ là thống kê, mà quan trọng hơn là rà soát tính hợp pháp, sự cần thiết, tính hợp lý và yêu cầu rõ ràng của từng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện cụ thể để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi trước khi chính thức công bố danh mục cuối cùng.

 

Mục tiêu cuối cùng của công việc này là gỡ bỏ mọi rào cản không cần thiết, không hợp lý, không tiên liệu được, làm rõ, công khai, minh bạch các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… để người dân thực hiện được quyền tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

 

Rõ ràng, đang có sự xung đột không nhỏ giữa công việc của Tổ rà soát và nhu cầu của các cơ quan quản lý ngành trong việc thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước của mình. Một lần nữa, cuộc chiến với giấy phép con của hơn 10 năm trước, thời điểm Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời, lại được nhắc lại. Khi đó, sự thành công thời gian đầu và sự thoái trào của chiến dịch cắt bỏ giấy phép con đều bắt nguồn từ quyết tâm của những người đứng đầu.

 

Tình hình hiện tại phức tạp hơn nhiều do sự đa dạng của các ngành nghề, sự đan xen của các điều kiện kinh doanh, cũng như phạm vi tác động của các ngành nghề kinh doanh tới đời sống, xã hội. Yêu cầu phân loại, thống kê, rà soát tính cần thiết, hợp lý hay không của các biện pháp quản lý nhà nước đang đòi hỏi tư duy quản lý hiện đại, trên nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

 

Như vậy, rất cần cơ chế thống nhất trong việc xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, như việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện... Ở đây, vào lúc này, vai trò của người đứng đầu phải được làm rõ.

 

Thực trạng này, nếu không kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng tới cả tính hiệu lực và khả thi của danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hệ lụy là những tác động bất lợi với môi trường kinh doanh và tinh thần kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

 

Theo Bảo Duy

Báo Đầu tư
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”