TPHCM:
Dùng chất tạo nạc “hô biến” thịt heo thành thịt bò
(Dân trí) - “Điều nguy hiểm là hiện có trường hợp mua heo đến tuổi xuất chuồng, nặng khoảng 100 kg từ những trang trại uy tín về và dùng chất kích thích, chất tạo nạc để cho heo tăng trọng lượng lên 130kg, thậm chí 150kg rồi giả làm thịt bò để bán ra thị trường kiếm lời”.
Đó là những thông tin chia sẻ từ ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam tại buổi giao ban về công tác tuyên truyền liên quan đến sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi do Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM tổ chức ngày 26/8.
Nuôi heo… tốc hành
Ông Phạm Đức Bình, người được mệnh danh là “Vua nuôi heo” cho biết, hiện có nhiều trang trại vì lợi nhuận mà đã dùng chất cấm, chất tạo nạc để nuôi heo… siêu tốc.
Ông Bình cho rằng, nếu nuôi heo đàng hoàng thì phải chọn giống tốt nhưng nuôi heo bằng chất tạo nạc thì không cần quan tâm tới yếu tố này. Thường thì nuôi heo đạt đến trọng lượng 100kg đã quá khó nhưng với những trang trại nuôi heo bằng “công nghệ” chất cấm, chất tạo nạc, trọng lượng heo có thể đạt đến 200kg.
“Loại heo này chỉ thở chứ không ăn bởi đã được tẩm thuốc kích thích như ma túy vào rồi”, ông Bình nói.
Chất tạo nạc cho heo hiện nay được sử dụng nhiều nhất có tên gọi là Clenbuterol và Salbutamol. Nguồn gốc chất cấm này xuất phát từ Trung Quốc và đến tay người nuôi heo bởi các thương lái.
Thị trường tiêu thụ của heo “tẩm” chất tạo nạc hầu hết ở các thành phố lớn. Theo ông Bình, người ăn phải loại thịt heo này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như co giật, các bệnh về tim mạch và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến giống nòi. Tuy nhiên, do chưa có nạn nhân điển hình nào khi ăn thịt heo có chất tạo nạc nên dẫn đến việc người dân coi thường tác hại.
“Vua nuôi heo” cho biết, bằng mắt thường cũng có thể phân biệt được heo nào là heo nuôi thông thường và heo nuôi có sử dụng chất tạo nạc.
“Nhìn con heo sử dụng thuốc là biết ngay. Cần gì phải lấy mẫu thịt, mẫu nước tiểu xét nghiệm cho nhiêu khê. Với kinh nghiệm của người làm ngành thú y thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhìn con heo là biết có chất tạo nạc hay không. Tôi chắc chắn các ông thú y nhìn là biết”, ông Bình nói.
Kinh doanh chất tạo nạc như buôn ma túy
Theo ông Bình, người Việt Nam ưa thích sử dụng thịt tươi chứ không phải đông lạnh. Đây là ưu thế và cũng là bất lợi vô cùng. Bởi thịt heo mổ sau 12 tiếng đã nhiễm vô sinh, bốc mùi. Mua thịt tươi về bỏ tủ lạnh thì cũng là thịt đông lạnh, vậy mà người Việt mình vẫn rất… khoái vì cho rằng đó là thịt tươi.
Chính thói quen này của người Việt lại tạo cơ hội rất lớn cho thịt đông lạnh nước ngoài nhập vào.
Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thói quen, tập quán như khi hỏi vợ, lễ cưới, cúng… thích con heo quay có bôi phẩm màu đỏ, vàng ươm lên thì mới chịu. Thấy cái gì bắt mắt là ưa nhưng đâu biết rằng, những màu đó là phẩm màu công nghiệp.
“Tâm lý người tiêu dùng mình lại cho rằng, ăn cái gì cũng sợ nhưng phải ăn thôi. Ăn vào thì chết từ từ, không ăn thì chết ngay; từ đó sinh ra dễ dãi”, ông Bình nói.
Người Việt chuộng ăn thịt nạc, không thích thịt mỡ vì sợ “gan nhiễm mỡ”, “mỡ trong máu”… Những suy luận này lại vô hình chung tạo điều kiện cho thị trường heo nuôi bằng chất tạo nạc… lên ngôi.
Chất tạo nạc như Clenbuterol và Salbutamol hiện được xếp vào loại những chất cấm trong chăn nuôi bởi những tác hại của nó. Tuy nhiên, vì quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước và một số người nuôi vì lợi nhuận trước mắt mà sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Điều này sẽ vô cùng tai hại khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực. Khi đó, thịt heo, thịt bò Mỹ, châu Âu tràn vào với chất lượng miễn bàn thì ngành chăn nuôi Việt Nam “chết đứng” tại sân nhà.
Ông Bình cho rằng, phải coi chất cấm trong chăn nuôi như ma túy. Phải xử lý hình sự các trường hợp lưu hành, buôn bán chất tạo nạc chứ không thể xử lý hành chính với mức phạt “nhẹ hều” (cao nhất là 15 triệu đồng/trại/lần) như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của “Vua nuôi heo”, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TPHCM cho rằng, những đối tượng mua bán, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi mà không bị xử lý hình sự là một bất cập.
“Luật pháp vừa bất cập, vừa thiếu. Pháp luật dứt khoát bổ sung ngay những điều còn thiếu. Buôn bán chất độc, chất cấm thì phải xử lý hình sự”, ông Lừng khẳng định.
Công Quang