Đức tung gói hỗ trợ 65 tỷ euro đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng

Nhật Linh

(Dân trí) - Đức vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro nhằm đối phó với chi phí năng lượng tăng cao khi châu Âu đang vật lộn với sự thiếu hụt nguồn cung sau cuộc chiến ở Ukraine.

Gói hỗ trợ lần này lớn hơn so với 2 gói trước, sẽ bao gồm các khoản thanh toán một lần cho những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất và giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Đức tung gói hỗ trợ 65 tỷ euro đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng - 1

Đức vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ euro nhằm đối phó với chi phí năng lượng tăng cao (Ảnh: DW).

Giá năng lượng ở châu Âu đã tăng vọt kể từ cuối tháng 2 vừa qua và châu Âu đang cố gắng để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Trang Politico dẫn cảnh báo của các quan chức châu Âu rằng, những tháng tới có khả năng là thời điểm khó khăn nhất khi các quốc gia châu Âu bắt đầu cảm nhận được nỗi đau về kinh tế khi thiếu hụt năng lượng.

Ngày 2/9, tập đoàn năng lượng do nhà nước Nga hậu thuẫn Gazprom đã tuyên bố đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức, với lý do gặp sự cố kỹ thuật.

Quyết định này đưa ra ngay trước khi đường ống này dự kiến hoạt động trở lại sau đợt đóng cửa bảo dưỡng định kỳ kéo dài 3 ngày kể từ ngày 31/8. Công suất dẫn khí đốt tới Đức qua đường ống này cũng đã giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Trước thời điểm đóng cửa bảo dưỡng đường ống hôm 31/8, Gazprom đã giảm lượng khí đốt chảy qua đường ống này xuống còn 20% công suất, cũng với lý do lỗi thiết bị do các lệnh trừng phạt Nga.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller cho rằng, đơn vị cung cấp thiết bị là Siemens Energy đã không thực hiện bảo trì thiết bị thường xuyên cho đường ống Nord Stream 1. Hơn nữa, việc bảo trì thiết bị Nord Stream 1 sẽ không thể thực hiện do vướng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga. Mối quan hệ đối đầu với Nga đã buộc Đức phải tìm nguồn cung khác và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong nước.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Đức sẽ vượt qua mùa đông khắc nghiệt này và cho biết Nga "không còn là đối tác năng lượng đáng tin cậy nữa".

Với gói hỗ trợ mới này, khoảng 9.000 doanh nghiệp thâm dụng năng lượng sẽ được giảm thuế với tổng giá trị lên đến 1,7 tỷ euro.

Ngoài ra, theo ông Scholz, một khoản thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng cũng sẽ được sử dụng nhằm giảm hóa đơn năng lượng cho người dân.

Gói hỗ trợ mới nhất này đã nâng tổng số tiền cứu trợ mà Đức đã chi cho cuộc khủng hoảng năng lượng lên đến 100 tỷ euro, thấp hơn so với gói cứu trợ 300 tỷ euro mà nước này đã tung ra để giữ cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu trụ vững trong đại dịch Covid-19.

Cùng với Đức, các quốc gia khác ở châu Âu cũng đang xem xét các biện pháp tương tự. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cam kết sẽ ngay lập tức công bố kế hoạch đối phó với chi phí năng lượng tăng cao nếu được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày mai (5/9).

Các bộ trưởng năng lượng EU cũng sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới để thảo luận các biện pháp giảm bớt gánh nặng về giá năng lượng trên toàn khối. Theo Reuters, một tài liệu công bố về cuộc họp cho biết chương trình sẽ bao gồm giới hạn giá khí đốt và hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các thành viên tham gia thị trường năng lượng.