1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đua nhau “thổi giá”, móc túi khách hàng

Hàng loạt các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá phi mã như trứng, thịt gà, sữa, rau xanh, hoa quả… khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng. Điều đáng nói là nhiều mặt hàng đã bị tiểu thương thổi giá gấp nhiều lần giá gốc mà không bị một hình thức xử lý nào.

Ảnh Internet
Ảnh Internet
Hoa mắt vì trứng bị làm giá

Sau Tết Dương lịch, trứng đột nhiên đồng loạt tăng mạnh từ TP. HCM ra Hà Nội. Nguyên nhân được cho là Công ty chăn nuôi Việt Nam, đơn vị chiếm thị phần lớn, đột ngột nâng giá bán lên cao. Sau CP đến lượt Emivest thừa nhận tăng giá bất hợp lý và điều chỉnh giá. Emivest lý giải tăng giá là do cung cầu. Tuy nhiên, Sở Công thương TP. HCM đã đưa ra bằng chứng là số lượng nhập và bán các mặt hàng trứng gia cầm đều tăng 30-50%, không có tình trạng giảm nguồn cung. Do đó việc tăng giá bất hợp lý của Emivest cùng với CP là hoàn toàn sai. Việc này tạo nên hiệu ứng dây chuyền khiến thị trường trứng gia cầm đột ngột tăng chóng mặt.

Theo điều 17, Nghị định 84 ngày 20-9-2011 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá, mức xử phạt đối với hành vi tăng giá quá mức từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng có thời hạn 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc loại giấy phép được cấp. Vi phạm nhiều lần sẽ tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM thì chiếu theo Nghị định này, CP có thể bị phạt 20 triệu đồng. Thông tin từ Bộ Công thương thì cho biết việc CP, Emivest tăng giá trứng gia cầm vừa qua là có dấu hiệu bất hợp lý. Tuy nhiên để xử lý vi phạm cụ thể thì cơ quan chức năng còn phải thu thập thêm chứng cứ mới có thể đưa ra hình thức xử phạt.

Như vậy CP và Emivest có thể bị xử phạt 20 triệu đồng và có thể không. Tuy nhiên nếu bị xử phạt ở mức 20 triệu đồng vẫn là một mức phạt quá thấp so với những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu, một hành vi làm rối loạn thị trường, tạo một mặt bằng giá mới đang trong thời buổi khó khăn. Đây sẽ là một tiền lệ xấu vì doanh nghiệp cứ thích tăng giá là tăng để thu lợi nhuận, trong khi nhiều trường hợp không hề bị xử phạt hoặc nếu có thì cũng chỉ phải nộp phạt số tiền quá nhỏ so với lợi nhuận thu về từ việc thổi giá.

Thay đổi mẫu bao bì để… lách luật

Sau Tết Dương lịch, một số hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá bán trên dưới 10% với bao bì có chút ít thay đổi. Nguyên nhân của đợt tăng giá được các hãng sữa đưa ra là do chi phí thay đổi mẫu mã, bao bì chứ không phải vì nguyên liệu đầu vào hay yếu tố khác làm tăng giá. Ngoài ra giới kinh doanh sữa đang truyền tai tin đồn một hãng sữa ngoại lớn sẽ tăng giá tới 11%, sớm thì trong tháng một nay hoặc chậm thì vào tháng 3 tới, hãng này cũng sẽ tăng giá vì lý do đổi bao bì.

Tuy nhiên theo một chuyên gia làm trong lĩnh vực này, việc thay đổi bao bì này thực ra là một chiêu “lách luật” mà các hãng sữa vẫn thường áp dụng khi muốn tăng giá mà trong khi giá cả nguyên vật liệu đứng yên. Theo đó, chỉ cần nhà sản xuất thay đổi một chút ở tên gọi, hay nắp bình sữa, hãng có thể điều chỉnh niêm yết mà không cần đăng ký lại giá với cơ quan chức năng. Ví dụ, loại sữa EnfaKid A+ dành cho trẻ từ 3 tuổi trước đây, nay được đổi tên thành Enfagrow A+4. Trên thực tế việc thay đổi bao bì của các hãng sữa không hề có lợi ích gì đối với người tiêu dùng nhưng khách hàng lại phải trả tiền cho việc này là một sự phi lý. Người tiêu dùng chịu thiệt, còn các hãng sữa thì nghĩ ra đủ cách để “mói túi” khách hàng, nâng lợi nhuận.

Tiểu thương tự do “thổi giá”

Năm hết, Tết đến, người dân phải đối mặt với hàng loạt đợt tăng giá của nhiều mặt hàng. Trong đó, đáng kể nhất chính là việc giá rau xanh “leo thang”. Đợt rét đậm rét hại đầu tiên mùa Đông năm nay mới chỉ hơn mười ngày, vậy mà tiểu thương đã lợi dụng để đẩy giá các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là rau xanh tăng gấp đôi, ba lần. Giá tại các vùng trồng rau tăng một thì ra đến các chợ lẻ, rau củ đã tăng gấp nhiều lần. Tại chợ Thành Công, giá su hào 8000- 10.000 đồng/củ, súp lơ từ 15.000-22.000 đồng/cái, rau muống 15.000 đồng/mớ. Cà chua tăng từ 20.000 lên 25.000đ/kg, khoai tây tăng 16.500 lên 18.000đ/kg, cải xanh tăng 25.000đ lên 27.000đ/kg, hành củ tươi từ 16.000đ lên 18.000đ/kg... Các loại rau ăn lá đã tăng thêm từ 3.000 - 5.000đ/kg... Một số loại trái cây đặc sản giá cả cũng đã tăng vọt: Cam Canh tăng từ 60.000đ/kg lên 80.000đ/kg, xoài cát tăng 40.000đ lên 45.000đ/kg... Nhiều thực phẩm tươi sống cũng được đà đội giá, gà ta (nguyên lông) tăng từ 130.000đ lên 140.000đ/kg, trứng gà tăng 32.000 lên 36.000đ/chục, thịt bò thăn tăng từ 250.000đ/kg lên 270.000đ/kg...

Những mặt hàng thực phẩm nêu trên ở các siêu thị giá còn cao với “mức khủng” so với ở chợ. Lý do tăng thường do tư thương lợi dụng thời tiết để đẩy giá trục lợi. Thường nguồn cung khan hiếm hàng hóa mới tăng giá nhưng trong những ngày vừa qua, nguồn cung vẫn rất dồi dào nhưng tư thương vẫn tự tăng giá. Qua mỗi nấc trung gian, thương lái đều thổi giá rau lên gấp 2-3 lần. Cộng lại, so với giá rau mua theo cân tại ruộng, rau đã được đẩy lên cao gấp 5-7 lần giá mua ban đầu. Cả nông dân và người tiêu dùng hiện đều bị móc túi một cách trắng trợn. Trên thị trường hiện nay có đến 20- 50% là rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Người tiêu dùng vốn ác cảm với thực phẩm Trung Quốc. Song rau quả nước này vẫn ngập chợ và đi vào bữa ăn của từng gia đình. Tuy nhiên so với giá đầu mối, giá đến tay người tiêu dùng đã bị thương lái đẩy lên gấp hàng chục lần. Nhập với giá rẻ nhưng theo khảo sát của PV tại chợ đầu mối Long Biên, giá của các mặt hàng này đã được thương lái đẩy lên ngất ngưởng. Cuối cùng, khi đến với các chợ lẻ, giá những mặt hàng này lại bị đẩy lên gấp đôi so với chợ đầu mối, như vậy giá đến tay người tiêu dùng cao hơn giá nhập tại cửa khẩu từ 10-15 lần.

Nhập với giá rẻ nhưng lại bán với giá trên trời cộng thêm việc cân điêu, bán thiếu của tiểu thương khiến người tiêu dùng bị thiệt đơn thiệt kép. Và điều đáng nói là cũng chẳng có ai bị xử lý về hành vi thổi giá, cân điêu. Anh Nguyễn Mạnh Hà, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Thành Công cho biết, chuyện cân điêu bán thiếu giờ là phổ biến. Chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt. Ngoài việc cân điêu bán thiếu, bán giá cao quá mức, các tiểu thương còn trà trộn, nhập hoa quả Trung Quốc giá rẻ về dán mác khác thành hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Thái lan để bán giá cao hơn.

Gần Tết là thời điểm các tiểu thương thi nhau “thổi giá” để tăng lợi nhuận. Thực phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng qua 3-5 khâu trung gian. Qua mỗi khâu giá lại được thổi lên 2-3 lần. Hậu quả là nông dân bị thua lỗ nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Điều này không phải là vấn đề mới nhưng luôn tái diễn mà chưa có biện pháp khắc phục. Vì vậy các bộ, ngành cần nghiên cứu, có hình thức xử phạt với những hành vi “thổi giá”, làm giá, phát triển các hệ thống phân phối hợp lý để bảo vệ người sản xuất, chăn nuôi và người tiêu dùng.
 
Theo Hà Mai
An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm