Dưa hấu và hội nhập
Nhiều vấn đề nóng trong đời sống kinh tế - xã hội vừa qua được đặt lên bàn tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 vừa kết thúc sau 2 ngày tại TP.Vinh (Nghệ An) như sự kiện dưa hấu ở Quảng Nam bị ùn ứ vừa qua.
Cùng đồng tình với quan điểm của TS Lê Đăng Doanh, TS Trần Du Lịch cho rằng, hai vấn đề then chốt của nông nghiệp hiện nay là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và bài toán thị trường, và chủ thể của bài toán này là DN.
“Nông nghiệp muốn đổi mới thì DN phải đầu tư. Trong 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) thì theo tôi DN phải đứng đầu, nếu DN không vào thì nhà khoa học cũng không vào” - TS Trần Du Lịch phân tích.
Để cho DN đầu tư vào nông nghiệp thì phải có cơ chế phù hợp, đem lại lợi ích cho DN. Một số chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra sốt ruột với tình trạng DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là DN FDI, dẫn tới nền nông nghiệp chưa có giá trị cao, còn lệ thuộc vào thị trường khu vực và thế giới.
Với câu hỏi kinh tế Việt Nam đang ở vị trí nào (?), TS Trần Đình Thiên phân tích cán cân thương mại cho thấy, mặc dù có thặng dư trong xuất khẩu với mức 2 tỉ USD, song Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng, nhập khẩu hàng trung gian nhiều. Điều này chứng tỏ nền công nghiệp và nông nghiệp đang ở đẳng cấp thấp.
Theo thông tin từ Bộ KHCN, phần lớn các DN nước ta sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Tính chung các DN, mức độ thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu 52%, tỉ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ 2% so với 31% của Thái Lan, 51% của Malaysia, 73% của Singapore. Vì vậy, theo TS Trần Đình Thiên, trong giai đoạn kinh tế đã bắt đầu phục hồi, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung ưu tiên chuẩn bị năng lực hội nhập.
Theo Quang Đại - Đăng Khoa