Quảng Nam:

Dưa hấu ế ẩm, nông dân đưa ra đường ngồi bán

(Dân trí) - Đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nhưng chờ đợi mãi không có thương lái thu mua, nhiều nông dân tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đành mang dưa ra đường lộ ngồi bán mong vớt vát lại công sức bỏ ra.

Những ngày này, nhiều người dân tại thôn Thọ Xuyên (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam) đành mang dưa ra đường lộ (đoạn đường từ thị trấn Nam Phước lên Thánh địa Mỹ Sơn) ngồi bán vì không có thương lái thu mua.

Thương lái không thu mua, nông dân đưa dưa lên đường ngồi bán
Thương lái không thu mua, nông dân đưa dưa lên đường ngồi bán

Ông Nguyễn Văn Hai (người trồng dưa tại Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết: “Đến vụ thu hoạch nhưng chẳng ai đến ruộng hỏi mua, với thời tiết thất thường như hiện nay nếu không lo bán sớm chỉ sợ dưa thối ngoài ruộng. Chúng tôi bán với giá 3-5 ngàn đồng/kg, nhưng phải ngồi từ sáng sớm đến chiều tối, dù mưa hay nắng vẫn phải ngồi”.


Ngồi từ sáng sớm đến tối mịt với mong muốn vớt vát lại ít công sức bỏ ra

Ngồi từ sáng sớm đến tối mịt với mong muốn vớt vát lại ít công sức bỏ ra

Ông Hai nói thêm, ngày nào may mắn thì bán được từ 1,5-2 tạ dưa, có hôm không bán được quả nào đành lủi thủi mang dưa về. Ông nói, vì ruộng dưa gần đường lộ nên mới ngồi bán, chứ ruộng dưa ở những chỗ khác thì chịu. Rất ít người đến hỏi mua tại ruộng, chủ yếu vài người buôn bán ở chợ đến mua về bán lẻ, giá dưa tại ruộng là 2 ngàn đồng/kg.

Đang ăn vội bữa cơm trưa lót dạ, chị Nguyễn Thị Bích Dung (thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu) chia sẻ: “Phải chi có thương lái thu mua thì đỡ khổ biết mấy, mọi năm người ta đi xe tải đến chở dưa đi nhộn nhịp nhưng năm nay thì chẳng có ai thèm đến. Chúng tôi phải mang dưa ra đường ngồi bán được đồng nào hay đồng đó, có người hiểu thì không trả giá nhưng có người đòi bớt có khi xuống 2 ngàn đồng/kg. Họ nào có hiểu, cực chẳng đã mới đành ra ngồi ngoài đường cả ngày thế này, bao công sức bỏ ra giờ phải kiếm lại từng đồng”.

Nhiều người qua đường tiện thể ghé mua
Nhiều người qua đường tiện thể ghé mua

Bà Dung cũng cho biết, chuyện bán dưa ngoài đường này thì năm nào cũng có, nhưng lúc đó chỉ những loại dưa thương lái chê mới đem ra đây bán. Nhưng năm nay, phải lựa những trái ngon nhất mới mong bán được, ngoài ruộng dưa chín đầy cũng chẳng có thương lái hỏi thăm.

Ông Lê Phước Hải - Phó ban nông nghiệp xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) - cho biết: “Hiện tại xã Duy Châu có hơn 4 ha trồng dưa, diện tích thu hẹp rất nhiều so với các năm trước (năm nhiều nhất trên 60 ha). Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra không có, bấp bênh nên nông dân không còn mặn mà với loại cây này nữa. Hiện tại, người trồng dưa hấu tập trung nhiều nhất tại thôn Thọ Xuyên vì nơi đây đất thích hợp nhất với cây dưa, còn nhiều thôn khác như Cù Bàn, Lệ Nam, Lệ Bắc… đều chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu khác”.

Một số ruộng dưa của nông dân đang có tình trạng dưa nhỏ, sâu bệnh do đất trồng lặp lại nhiều năm, thời tiết thất thường
Một số ruộng dưa của nông dân đang có tình trạng dưa nhỏ, sâu bệnh do đất trồng lặp lại nhiều năm, thời tiết thất thường

Lý giải nguyên nhân không có đầu ra cho cây dưa, ông Huỳnh Văn Ánh (chuyên viên phòng nông nghiệp huyện Duy Xuyên) cho hay: “Nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc không còn thu mua dưa, bên cạnh đó thị trường nội địa hạn chế, dưa Duy Xuyên thường phải cạnh tranh với dưa các nơi như Quảng Ngãi, Bình Định… đổ về. Hiện nay, giá thu mua tại ruộng là 2 ngàn đồng/kg nhưng rất ít người mua, chủ yếu vẫn là thương lái mua về chợ lẻ bán”.

Theo ông Ánh, nhiều người dân sợ dưa chín quá sẽ hỏng nên đành mang bán ngoài lộ với giá 3-5 ngàn đồng/kg nhưng cũng khá bấp bênh. Hiện chưa có ghi nhận về tình trạng dưa hỏng bỏ ruộng hay bán tống bán tháo xảy ra nhưng cứ đà này thì chưa nói trước được điều gì.

Người dân đưa dưa hấu lên đường bán vì ế ẩm

Hiện nay, diện tích dưa huyện Duy Xuyên là 8,6 ha, chủ yếu tập trung tại Duy Châu và Duy Trinh. Từ 3 năm trở lại đây dưa bán không có đầu ra, nông dân lỗ nặng, nhiều người không còn mặn mà với dưa hấu nữa, họ bắt đầu chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, diện tích trồng dưa sụt giảm đáng kể.

Không riêng gì Duy Xuyên, tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) diện tích trồng dưa cũng giảm đáng kể. Bãi bồi thuộc thôn Tân Bình (xã Điện Trung, Điện Bàn) nay cũng chỉ còn vài hộ trồng dưa nhưng đầu ra bấp bênh.

Nông dân Phạm Phú Thơm (thôn Tân Bình) cho biết: “Đầu ra không có, nhiều người bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây khác, chỉ còn vài hộ như tôi trồng dưa thôi. Chờ mòn mỏi cũng chẳng có ai hỏi mua, gia đình đành mang dưa ra chợ ngồi bán lẻ từng trái. Chắc mùa sau tôi cũng chẳng dám trồng dưa nữa, đầu ra bấp bênh thế này chỉ có lỗ nặng”.

Tại bãi bồi Gò Đình (xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam), khi được hỏi về dưa hấu, nông dân ở đây đều lắc đầu ngán ngẩm. Tiếp xúc với PV, nông dân Lê Văn Chín cho biết: “Bên Gò Đình giờ không ai còn mặn mà với cây dưa hấu nữa, đầu ra không có nên nhiều người chuyển sang trồng cây khác. Dân ở đây nghe đến dưa hấu ai cũng lắc đầu, nghe đâu Trung Quốc không thu mua nữa nên dưa các nơi bán tống bán tháo cũng chẳng ăn thua. Rút kinh nghiệm nên nông dân chúng tôi chuyển sang trồng các loại cây khác như ớt, bắp, đậu phộng… cho chắc ăn”.

N.Linh