1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục lên 92 tỷ USD: Mua vào là cần thiết!

An Hạ

(Dân trí) - Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục mới: 92 tỷ USD. Có ý kiến cho rằng nên hạn chế mua thêm USD vì quỹ dự trữ ngoại hối đã trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu.

Như Dân trí đã đề cập, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 92 tỷ USD. Quy mô này tiếp tục tăng mạnh sau con số 84 tỷ USD mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cập nhật hồi tháng 4/2020.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, đến cuối năm nay dự trữ ngoại hối có thể đạt con số 100 tỷ USD, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.

Trước thông tin dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 92 tỷ USD và có khả năng cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên hạn chế mua thêm USD vì quỹ dự trữ ngoại hối đã trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu.

Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục lên 92 tỷ USD: Mua vào là cần thiết! - 1

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục mới: 92 tỷ USD (ảnh minh họa)

Lãnh đạo Vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cho biết: Mức 3 tháng nhập khẩu của IMF là yêu cầu đối với các nước chưa mở cửa nền kinh tế nhiều. Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, IMF khuyến nghị dự trữ ngoại hối nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu.

Như vậy, với mức dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ở mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu từng bước đổi mới toàn diện công tác quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến khâu xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; xác định mức rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cũng như đổi mới hạch toán kế toán phù hợp chuẩn mực quốc tế góp phần củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng trong cả năm nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thương mại trong 8 tháng đầu năm thặng dư khoảng 11 tỷ USD.

"Dù chưa nhìn vào số liệu chi tiết của cán cân thanh toán, nhưng tôi đoán cán cân vốn cũng thặng dư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào liên tục, khiến dự trữ tăng lên như vậy. Việc mua này theo tôi là cần thiết", TS. Nguyễn Đức Thành cho hay.

Cũng theo ước tính của ông Thành, chúng ta cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là hướng tới mốc 150 tỷ USD. Theo thời gian, quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và cùng với đó là quy mô xuất - nhập khẩu, thì mục tiêu của dự trữ ngoại hối có thể còn cao hơn nữa.

"Sắp tới khi có phục hồi kinh tế sau Covid-19, nhu cầu USD của Việt Nam có thể tăng nhanh trở lại, chúng ta sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Khi đó, dự trữ ngoại hối có thể giảm hoặc ít nhất cũng không tăng như vừa qua. Đó là chuyện bình thường trong điều hành, như nước trong đập thủy điện lúc đầy lúc với", TS.Nguyễn Đức Thành ví von.

Ông Thành cho rằng, việc dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phản ánh diễn biến của nền kinh tế, cũng như quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Và trong bối cảnh hiện nay, vị Tiến sỹ này cho hay, đó là chính sách phù hợp; chỉ cần lưu ý là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được, tránh gây lạm phát.

"Tôi dùng từ "vừa đủ" hàm ý rằng có thể trung hòa hơi lỏng một chút, không cần quá chặt chẽ, vì như thế cũng là một cách nới lỏng nhẹ tiền tệ, phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế trong thời gian dịch Covid", ông Thành lý giải.