Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Tác động xấu đến Nhà nước, DN và xã hội?

(Dân trí) - Khi hạn chế một ngành có đóng góp lớn thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng, quy mô GDP, cũng như nguồn thu của Nhà nước, của doanh nghiệp (DN) và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Đó là nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) tại buổi Tọa đàm về một số nội dung trong dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan tổ chức.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Tác động xấu đến Nhà nước, DN và xã hội? - 1

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng nên tránh những tác động xấu của Dự luật gây ảnh hưởng đến Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia kinh tế, pháp luật và đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia.

Theo đó, TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cùng nhiều chuyên gia khác tham dự buổi tọa đàm đều đồng tình rằng, Dự án luật này phải mang lại lợi ích chung chứ không phải gây nên những tác động xấu cho Nhà nước, DN và xã hội.

“Khi hạn chế một ngành có đóng góp lớn thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng hay quy mô GDP của chúng ta. Vì vậy, nên tránh những tác động xấu của Dự luật gây ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước, DN và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng”, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.

“Pháp luật làm ra là để cho người dân thực hiện, phải có tính khả thi, đi vào thực tiễn. Vì vậy, Dự án luật này nên mang lại lợi ích chung cho Nhà nước, DN và xã hội”, ông Việt nói thêm.

Cụ thể, trong Dự luật này, ông Việt cho rằng, quảng cáo không phải là để tăng mức tiêu thụ mà là thông qua quảng cáo người tiêu dùng sẽ tiếp cận được tất cả thông tin về doanh nghiệp hay sản phẩm.

“Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với những cá nhân có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn. Số liệu thống kê và kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn thực tế không có tác động đến lượng tiêu thụ các sản phẩm này”, ông Việt cho biết.

Hơn nữa, việc cấm quảng cáo còn ảnh hưởng tới doanh thu của các tổ chức truyền thông, mất nguồn đầu tư tài trợ cho rất nhiều hoạt động thể thao, văn hóa và du lịch trong nước…do đó sẽ dẫn tới phần lớn doanh thu từ hoạt động quảng cáo được chuyển ra nước ngoài thay vì doanh thu này được phát sinh và ghi nhận tại Việt Nam, ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam cảnh báo.

Do vậy, VBA và một số chuyên gia đề nghị sửa đổi quy định “cấm quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày” tại Điểm c Khoản 3 Điều 11 và “hạn chế các phương tiện quảng cáo đặt ngoài trời trong bán kính 500m tính từ cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi” tại Điểm d Khoản 3 Điều 11 của dự thảo.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: Tác động xấu đến Nhà nước, DN và xã hội? - 2
TS Nguyễn Văn Việt cho rằng nên xây dựng Dự luật một cách công bằng và có tính thực tiễn.

Bên cạnh đó, VBA cũng đề nghị xem xét bỏ quy định tại Điều 10 của dự thảo “cấm khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ trực tiếp đến người tiêu dùng” vì nó tạo ra mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế.

Đáng nói, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, bia còn không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên việc đưa ra các quy định hạn chế đối với bia là hoàn toàn trái với các quy định pháp luật hiện hành.

“Từ đó, có thể thấy, quy định cấm khuyến mại bia trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế, mất đi quyền lợi của người tiêu dùng và sẽ không đáp ứng được mục tiêu của luật là giảm sử dụng ở mức có hại”, luật sư Đức cho hay.

Hiện nay hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia đã mang lại nguồn thu đáng kể cho cơ quan, tổ chức Nhà nước, cũng như góp phần tích cực trong hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao....

“Vì vậy cần cân nhắc lại quy định này hoặc nên xem xét để bỏ điều khoản về cấm tài trợ bằng sản phẩm hoặc loại trừ các lễ hội ẩm thực, các sự kiện trao đổi văn hóa ẩm thực ra khỏi phạm vi điều chỉnh của điều khoản này”, ông Việt nói.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia, DN trong ngành đồ uống có cồn đều cho rằng, việc cấm, hạn chế quảng cáo, khuyến mại và tài trợ sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi sử dụng ở mức có hại tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của nước ta.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm