1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dư nợ margin đạt 112.100 tỷ đồng, chứng khoán có chịu áp lực?

Mai Chi

(Dân trí) - Tính tới 31/5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng. Mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Dòng tiền vào sàn tăng không chỉ đến từ margin

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - cho hay, thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. "Đến thời điểm này, có lẽ chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ với những phiên thanh khoản tỷ USD" - ông Sơn nhận xét.

Dòng tiền vào TTCK bằng nhiều kênh khác nhau, chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn,… là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với TTCK thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền vào TTCK gia tăng không chỉ đến từ dòng tiền margin.

Dư nợ margin đạt 112.100 tỷ đồng, chứng khoán có chịu áp lực? - 1

Chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư gần gũi hơn với người dân (Ảnh: Mai Chi).

Tuy vậy, theo thống kê, dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Lãnh đạo UBCKNN cho biết, tính tới ngày 31/5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng, tăng 31.200 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ so với cuối quý I/2021.

"Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Chúng tôi cho rằng, việc thị trường tăng trưởng mạnh nên dư nợ margin tăng cũng là điều dễ lý giải" - ông Phạm Hồng Sơn nhìn nhận.

Theo đó, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ nhu cầu cho vay thời gian tới.

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK.

Trên thực tế, ngày 28/5 vừa qua, UBCKNN cũng đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán để rà soát, củng cố hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tăng cường công nghệ thông tin, làm trực tuyến, chủ động phương án kinh doanh để đảm bảo cung cấp dịch vụ thông suốt trong mọi tình huống.

Đặc biệt hơn, tại văn bản này, UBCKNN đã yêu cầu các công ty chứng khoán tuyệt đối "thượng tôn pháp luật", tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chứng khoán và các quy định pháp luật liên quan.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát từ xa, kiểm tra, thanh tra trực tiếp, trong đó sẽ bao gồm các công tác huy động vốn, cho vay ký quỹ, cũng như việc đảm bảo an toàn các chỉ tiêu tài chính của các công ty chứng khoán. Trong trường hợp phát hiện hành vi sai phạm, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm, đảm bảo tính kỷ cương và kỷ luật thị trường" - Phó Chủ tịch UBCKNN nói.

Ưu tiên xử lý nghẽn lệnh trên HSX 

Một vấn đề khác cũng đặc biệt được thị trường quan tâm trong thời gian qua đó là việc xử lý nghẽn lệnh trên HSX. Sự cố này đã xảy ra từ cuối năm 2020 và vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, với nhiều giải pháp cấp bách được triển khai như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HSX và nhất là cải biến kỹ thuật,… đã giúp hệ thống hoạt động khá ổn định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của Sở HSX, buộc HSX phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường, có tiến triển tốt khi HSX và các thành viên công ty chứng khoán cũng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.

Theo ông Sơn, song song công việc đối với hệ thống hiện tại, HSX và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX.

"Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh" - ông Sơn thông tin.

Tuy nhiên, từ nay đến khi hệ thống phối hợp với FPT xây dựng đi vào vận hành, việc đảm bảo cho hệ thống hiện tại của HSX giao dịch không bị gián đoạn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đây là công tác được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo quyết liệt.

Ông Sơn cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ công tác xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, các đơn vị liên quan đã họp để vừa tiến hành ra soát vừa đưa ra các giải pháp cấp bách sẽ áp dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể cho hệ thống giao dịch hiện tại của HSX.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, TTCK tăng trưởng là một tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là "hàn thử biểu" của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của TTCK nói riêng.

Tuy nhiên, việc TTCK duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.

"Điều chúng tôi quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay không hẳn chỉ là mức độ tăng trưởng của thị trường, mà quan trọng hơn là duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường" - lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.

Bên cạnh những điểm tích cực, TTCK cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nhận diện để đưa ra các giải pháp thích hợp.

Theo đó, TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn.

Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm