1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự luật "đẻ" nhiều giấy phép mới, lo Bộ Công Thương lạm quyền

(Dân trí) - Nhận xét dự thảo luật Quản lý Ngoại thương ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả và tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn bày tỏ mối lo ngại khi dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương trong rất nhiều trường hợp nhưng không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào.

Góp ý kiến về dự luật Quản lý Ngoại thương tại hội trường sáng nay (7/11), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật đã "ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả".

Do vậy, vô hình chung, dự luật đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ - ông Lộc quan ngại. Trong khi đó, theo đánh giá của ông thì những nội dung cần thiết, cốt lõi lại được quy định rất chung chung, "chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành".

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường sáng 7/11 (ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường sáng 7/11 (ảnh: Quochoi.vn)

"Quản chồng lên quản"

Chủ tịch VCCI dẫn chứng, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh (thêm quy định), vừa giăng thêm lưới quản lý, các Bộ khác quản rồi, giờ thêm Bộ Công Thương lại quản nữa, nghĩa là “quản chồng lên quản”.

Ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu xuất khẩu - nhập khẩu... lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Giờ lại quy định vào luật này thì sẽ vừa cồng kềnh vừa làm phát sinh thêm giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp.

Hơn nữa, "có những vấn đề lâu nay các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không gặp vướng mắc khó khăn gì, vậy sao giờ lại phải bổ sung quy định, phải quản lý?", ông Lộc băn khoăn. Mặt khác, có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương, mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực khác, quy định vào luật này lại thành ra xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung.

Ông Lộc ví dụ, quy định về giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương (giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ) như thuế nội địa, phân biệt đối xử trong thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ... Nếu quy định như luật này thì cứ mỗi một lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng là rất không hợp lý!

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đặt vấn đề về quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới hơn 70% thời gian thông quan.

"Hải quan có cải cách bao nhiêu thì cũng không đủ bởi phần lớn vướng mắc nằm ở khâu kiểm tra chuyên ngành. Mà kiểm tra chuyên ngành thì thuộc thẩm quyền quy định của rất nhiều Bộ (hiện có 12 Bộ có kiểm tra chuyên ngành). Không có quy định nào thống nhất về việc kiểm tra chuyên ngành phải thế nào, trên nguyên tắc gì, thời hạn ra sao, áp dụng với loại hàng hóa nào và phải phối hợp liên kết với nhau như thế nào? Mỗi Bộ đều tự quy định danh mục hàng hóa và quy trình kiểm tra chuyên ngành… Đó là điều bất cập lớn", ông Vũ Tiến Lộc phản ánh.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, lẽ ra luật này phải đặt ra được các nguyên tắc cốt lõi, chi tiết, làm khung khổ để thống nhất hoạt động của các Bộ, làm công cụ tổng lực để giải quyết rốt ráo, có hệ thống vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải hiện nay. Nhưng dự thảo luật lại quy định rất chung chung và trao quyền ưu tiên quy định cho pháp luật chuyên ngành và cho các Bộ chuyên ngành - như vậy là chưa ổn.

"Đẻ ra nhiều loại giấy phép mới"

Hơn nữa, với việc dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương trong rất nhiều trường hợp nhưng trao quyền mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại điều này rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.

Đồng thời, dự thảo lại "đẻ" ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép (chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công Thương), theo ông Lộc, như vậy là không minh bạch!

Cụ thể, có một số loại giấy phép mới mà Dự thảo đặt ra là Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, Giấy phép quá cảnh hàng hóa; Giấy phép gia công hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; Giấy phép đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài nếu thanh toán thù lao bằng những hàng hoá loại này.

Đồng ý kiến với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng, “việc ban hành Luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”.

Đáp lại những mối lo ngại của các đại biểu Quốc hội, trong phần giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, “quan điểm Chính phủ là kiến tạo, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không mâu thuẫn với tên gọi của dự luật là quản lý ngoại thương”.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất - nhập khẩu hàng hoá theo hướng minh bạch, công khai. “Các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bích Diệp