Du lịch "sập nguồn", một doanh nghiệp trong ngành vẫn tăng lãi "khủng"
(Dân trí) - Đây là doanh nghiệp có bóng dáng của gia đình đại gia Đặng Văn Thành. Mặc dù doanh thu bị ảnh hưởng xấu bởi diễn biến thị trường song công ty này vẫn tăng lãi mạnh nhờ hoạt động tài chính.
Trong bối cảnh chung của thị trường, cổ phiếu VNG của Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công sáng nay cũng sụt giảm nhẹ 0,38% còn 13.250 đồng/cổ phiếu.
VNG đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với kết quả khá bất ngờ: Lãi trước thuế tăng 143,5% so với cùng kỳ lên 48,7 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 146% lên 39,3 tỷ đồng và lãi ròng thuộc về công ty mẹ tăng 310% lên 39,4 tỷ đồng.
Tuy vậy, doanh thu của VNG vẫn giảm sút 13,5% so với cùng kỳ còn 188,7 tỷ đồng. Đây là điều khá dễ hiểu do ngành du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất do Covid-19 và chính sách giãn cách xã hội.
Theo giải trình của VNG, sở dĩ công ty này tăng lãi mạnh là do tăng doanh thu hoạt động tài chính từ việc bán cổ phiếu và tiết giảm được chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Cụ thể, trong kỳ, chi phí bán hàng của VNG giảm 36,4%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 28,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng vọt 145,5%.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VNG là Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (chiếm 30,36% vốn), một doanh nghiệp của gia đình đại gia Đặng Văn Thành.
Được biết, VNG đang sở hữu, quản lý Trung tâm Lữ hành Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Travel), TTC Hotel với chuỗi các khách sạn và resort 3 - 4 sao trải dài từ Nha Trang đến Cần Thơ, TTC Safari - tổ hợp khu du lịch sinh thái.
Về thị trường chứng khoán, tình hình thị trường trong phiên giao dịch sáng nay vẫn chưa cải thiện, thậm chí, thanh khoản có phần lép vế hơn, nhịp độ giao dịch khá “buồn ngủ”.
Tạm đóng cửa phiên buổi sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,59 điểm tương ứng 0,08% còn 761,88 điểm trong khi HNX-Index vẫn dùng dằng quanh ngưỡng tham chiếu, sụt nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,06% còn 105,66 điểm. UPCoM-Index tương ứng giảm 0,14 điểm tương ứng 0,27% còn 51,77 điểm.
Toàn sàn HSX có 112,18 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị dòng tiền đổ vào đạt mức 1.611,51 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 15,04 triệu cổ phiếu và 134,82 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 4,13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 54,08 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm, song chênh lệch số lượng mã tăng - giảm không lớn. Có 308 mã giảm giá, 29 mã giảm sàn so với 246 mã tăng, 39 mã tăng trần trên cả 3 sàn giao dịch.
Thị trường dường như đang phản ánh phần nào tác động kết quả sản xuất kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy, biên độ dao động hẹp của các chỉ số chính cho thấy, nhà đầu tư đang rất thận trọng và không bị yếu tố tâm lý tiêu cực chi phối.
Cổ phiếu hai công ty bia là SAB và BHN lần lượt giảm 3.000 đồng xuống 152.000 đồng và giảm 1.900 đồng xuống 52.200 đồng,
VJC giảm 2.800 đồng còn 111.500 đồng; VHM giảm 1.000 còn 63.900 đồng; MSN, HVN, VCB, CTG đều giảm.
Ngược lại, vẫn có những mã diễn biến tích cực. Có thể kể đến VNM tăng 1.500 đồng lên 99.100 đồng, VIC tăng lên 92.700 đồng, GAS tăng lên 64.500 đồng, HPG, MWG, VRE, VPB, BID… cùng tăng giá.
Theo đó, trong khi VIC, VNM, GAS, HPG góp phần tạo hiệu ứng tích cực cho chỉ số chính thì VHM, SAB, VJC, VCB, CTG lại trực tiếp gây ra thiệt hại đáng kể đối với VN-Index.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, hiện tại thị trường chứng khoán đang trong vùng nhạy cảm khi mà gần hết báo cáo tài chính của các công ty niêm yết đã ra, đồng thời xu hướng “Sell in May” (bán vào tháng Năm) cũng phần nào ảnh hưởng tâm lý đến nhà đầu tư.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng hơn với những giao dịch trên thị trường và quản trị rủi ro danh mục đầu tư của mình luôn ở ngưỡng an toàn.
Mai Chi