Dự lễ vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn: Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục làm tốt hai nhiệm vụ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiếp tục thực hiện thành công các dự án trọng điểm khác về dầu khí, tiếp tục góp phần to lớn hơn nữa vào bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Chiều 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ vận hành thương mại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sau hơn 5 năm thi công. Cùng dự và chứng kiến lễ vận hành có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Dự lễ vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn: Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục làm tốt hai nhiệm vụ - 1


Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Tới dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Dự lễ còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương khu vực kinh tế Bắc Trung Bộ.

Về phía Bộ, ban ngành Trung ương có các đồng chí Uỷ viên Trung ương đảng: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Thanh, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình.

Về phía khách quốc tế có: Ông Motoo Hayashi, Quyền Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản; ông Văn-xay Pheng-su-ma, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, Lào; các vị đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn; Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, cùng đại diện lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An... gửi lẵng hoa chúc mừng buổi lễ.

Dự lễ vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn: Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục làm tốt hai nhiệm vụ - 2


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng trên diện tích 400ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Tỉnh Thanh Hoá. Công suất lọc dầu theo thiết kế đạt 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Cô-Oét (KEC). Theo giấy Chứng nhận đầu tư được cấp, Tổng vốn đầu tư của Dự án 9 tỷ USD.

Các nhà đầu tư góp vốn vào Dự án gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 25,1%, Công ty Dầu khí Quốc tế Cô-Oét (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hoá chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), chủ đầu tư Dự án, được thành lập bởi các nhà đầu tư theo Hợp đồng liên doanh ký ngày 7/4/2008 và Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 14/4/2008. Các sản phẩm chính của Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là khí hóa lỏng LPG, xăng (RON 92, 95), Dầu Diesel (cao cấp, thường), dầu hoả, nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh.

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là Dự án có quy mô, công suất lớn, có mức độ chế biến sâu được xếp thứ 2 trong các dự án lọc dầu “Top Project Awards” năm 2016 do tạp chí chuyên ngành uy tín hàng đầu thế giới Hydrocarbon Processing bình chọn. Đây là dự án Lọc hóa dầu thứ hai của Việt Nam được đầu tư, đưa vào vận hành theo Chiến lược và Quy hoạch ngành Dầu khí đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt.

Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn có công nghệ chế biến sâu và phức tạp nhất trong lĩnh vực Lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực với 38 phân xưởng công nghệ có bản quyền công nghệ từ các nhà bản quyền hàng đầu thế giới (Foster Wheeler, UOP, Axens, Mitsui…). Dự án có chỉ số Nelson Index đạt từ 11-12. Tổng số giờ công của Dự án đạt gần 200 triệu giờ. Tổng khối lượng vật tư, thiết bị được lắp đặt tại dự án khoảng gần 500 nghìn tấn, sử dụng gần 450 nghìn m3 bê tông, 1,5 triệu mét cọc, 6,5 triệu mét cáp điện và cáp điều khiển…

Trong quá trình triển khai, với quy mô lớn và công nghệ phức tạp, Dự án đã gặp không ít thách thức, khó khăn, nhưng với sự quyết tâm thúc đẩy Dự án từ ban lãnh đạo và cán bộ của Chủ đầu tư (NSRP), các cổ đông nước ngoài, KPI, IKC và MCI) và đặc biệt là PVN cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ ngành Việt Nam vàtTỉnh Thanh Hóa, Dự án đã đạt mốc Hoàn thành cơ khí vào ngày 30/4/2017. Sau quá trình chạy kiểm chứng các thông số đảm bảo kỹ thuật dưới sự giám sát chặt chẽ của NSRP, các cổ đông, nhà bản quyền, các nhà cho vay, tư vấn kỹ thuật của bên cho vay.., ngày 3/11/2018, quá trình chạy nghiệm thu kiểm tra đặc tính kỹ thuật của toàn nhà máy đã hoàn tất thành công.

Ngày 15/11/2018, dự án đã đạt mốc Nghiệm thu sơ bộ, kết thúc giai đoạn xây dựng và chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại..

Dự án được triển khai đã có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ: Thu hút trên 20.000 lao động trong giai đoạn xây dựng Dự án (4 năm); tạo hơn 1.000 lao động trực tiếp, thường xuyên và hàng vạn lao động gián tiếp khi Dự án đi vào hoạt động; giá trị các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Dự án hơn 1 tỷ USD, do các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện và tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực lọc hóa dầu; các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp thu kinh nghiệm quản lý, đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp lớn và tiếp cận các công nghệ cao trong lĩnh vực dầu khí để tự chủ triển khai các dự án trong và ngoài nước trong tương lai; hình thành một trung tâm lọc hóa dầu của Việt Nam, tạo động lực cho phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ khu vực Nghi Sơn nói riêng và cả nước nói chung; sau khi đi vào hoạt động, hàng năm Dự án sẽ đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng/năm: đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước...

Dự lễ vận hành thương mại Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn: Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục làm tốt hai nhiệm vụ - 3


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự thực hiện Lễ vận hành thương mại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của Tổng thầu EPC và các nhà thầu trong, ngoài nước với tinh thần vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo, với gần 200 triệu giờ công lao động an toàn.

“Các bên đã phổi hợp chặt chẽ, khoa học và trách nhiệm để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ và đã chạy thử thành công và hoàn thành mốc nghiệm thu sơ bộ quy định tại Hợp đồng EPC và đưa vào vận hành cho ra những lô sản phẩm đầu tiên chất lượng tốt”, Thủ tướng nói.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là biểu tượng tốt đẹp của sự hợp tác quốc tế thực chất và hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành, sản lượng xăng dầu cung cấp từ các nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.

Việc xây dựng thành công nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây và nay là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy đội ngũ cán bộ kĩ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam đã từng bước làm chủ được công nghệ và nâng cao tay nghề; làm chủ công tác vận hành, bảo dưỡng đổi với Nhà máy lọc dâu Dung Quất và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về năng lực quản lý, thi công và vận hành, bảo dưỡng các nhà máy lọc hóa dầu của đội ngũ cán bộ và công nhân Vỉệt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng.


Thủ tướng thăm hỏi chuyên gia, người lao động Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Sau sự kiện ngày hôm nay, theo Thủ tướng còn rất nhiều việc phải làm. “Tôi yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cần quản lý và vận hành thật tốt để Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra, không để tồn tại các lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành”. Phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như hoàn thành các thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng pháp luật Việt Nam.

Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xây dựng, bảo đảm vận hành nhà máy tuyệt đối an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và đạt hiêu quả cao nhất.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiếp tục thực hiện thành công các dự án trọng điểm khác về dầu khí, tiếp tục góp phần to lớn hơn nữa vào bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn có trách nhiệm cùng nhau tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho xây dựng Liên hợp Lọc hóa dầu. Tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp sau hóa dầu.

Cho rằng việc đưa Dự án Liên họp Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào vận hành thương mại là một lợi thế và cơ hội mới của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, qua đó tạo động lực mới, sức mạnh tổng hợp mới, đưa Thanh Hóa phát triển thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng và cả nước.

Theo: Thanh Ngọc/Năng lượng mới