1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000-8.000 MW điện từ Lào

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương nhập khẩu và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ. Điện nhập khẩu từ Lào dự kiến 5.000-8.000MW, theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8). 

Cụ thể, kế hoạch nhằm thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Điều này góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ngoài ra, các loại hình nguồn điện khác tới năm 2030 dự kiến phát triển 300MW các nguồn điện linh hoạt, ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.

Dự kiến nhập khẩu điện từ Lào khoảng 5.000MW và có thể tăng lên 8.000MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương nhập khẩu và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ đối với từng dự án cụ thể.

Dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000-8.000 MW điện từ Lào - 1

Chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh: VGP).

Nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới sẽ ưu tiên vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài như miền Trung và miền Nam. Quy mô xuất khẩu là từ 5.000 đến 10.000MW khi có các dự án khả thi. 

Kế hoạch cũng nêu cụ thể danh mục các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư, lưới điện liên kết với các nước láng giềng; đấu nối đồng bộ các dự án nguồn điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc... vào hệ thống điện Việt Nam... Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thống nhất khi triển khai các dự án cụ thể.

Về kế hoạch phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030.

Ở phía bắc có vị trí tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Quy mô của Trung tâm này với điện gió ngoài khơi khoảng 2.000MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500MW.

Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung bộ - Nam bộ có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500-2.000 MW.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm