Đủ chiêu “lách” siêu thị quá tải dịp Tết
(Dân trí) - Đi siêu thị vào dịp lễ là nhu cầu nhưng cũng là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng vì sự chen chúc, chờ đợi. “Có khó ló cái khôn” nhiều bà nội trợ nghĩ ra đủ cách “lách” cho việc mua sắm ở siêu thị được nhanh gọn nhất.
Mới 7 giờ sáng, thay vì ở nhà nấu nướng, dọn dẹp như mọi ngày, cô Nguyễn Thị Thanh (ngụ ở Cô Bắc, Q. Phú Nhận, TPHCM) đã xách giỏ đi sắm Tết ở siêu thị. Những mặt hàng cần mua đã được cô chép lại cẩn thận trong một mẩu giấy nên vào siêu thị cô cứ “phăng phăng” đi soạn hàng vào xe đẩy chứ không phải lòng vòng đi lại nhiều lần khi chợt nhớ món này hay món kia. Chưa đến 9 giờ sáng, khi lượng khách đổ đến siêu thị bắt đầu đông thì cô Thanh đã kết thúc việc mua sắm của mình khá nhẹ nhàng.
“Siêu thị mấy ngày nay mở cửa sớm nhưng đầu giờ vẫn vắng khách vì người Sài Gòn quen dậy muộn. Đi sớm chút nhưng mua rất thoải mái, không mất công đợi chờ mà còn chọn được hàng mới đầu ngày”, cô Thanh khoe.
Không đi được vào buổi sáng, nhiều người lại chọn đi mua sắm giữ đêm khuya, tránh giờ cao điểm vì rất nhiều siêu thị tại TPHCM mở cửa xuyên đêm phục vụ khách dịp Tết. Tuy nniên cách này chỉ dành cho những người giỏi thức đêm.
“Trước đây, các dịp lễ tôi thường đi siêu thị lúc 7 - 8 giờ tối chen mệt ơi là mệt rồi mới vòng về cất hàng hóa để đi ăn uống, đi chơi. Bây giờ tôi đổi ngược quy trình, đi chơi tham quan trước đến đêm về mới vào siêu thị. Càng về khuya thì càng vắng khách, mình đi mua đồ như đi dạo vậy, thảnh thơi mà chọn”, chị Tào Thanh Nga ở đường Điện Biên Phủ (Q. Bình Thạnh) bày chiêu. Tuy nhiên, theo chị Nga cách này chỉ áp dụng khi sắm hàng tiêu dùng, còn thực phẩm thì một là hết hàng hai là chưa có hàng mới.
Mọi khâu “ách tắc” khác khi đi siêu thị vào dịp lễ được nhiều người tiêu dùng quan tâm tìm cách “gỡ rối” từ chỗ gửi xe, tính tiền… Rất nhiều cách được các bà nội trợ mách nước với nhau như đi siêu thị bằng taxi, hoặc nhờ người thân chở đến sẽ không “vướng” việc chờ xếp hàng gửi xe.
Anh Trịnh Văn Quyết kể rằng, hôm Tết dương lịch đưa vợ đi mua sắm ở siêu thị BigC Gò Vấp, anh như “chết ngạt” khi chen hơn 20 phút mới vào nổi bãi gửi xe. Rút kinh nghiệm, những ngày Tết này, nếu bị điều động làm tài xế thì anh ở ngoài chờ, chỉ mình vợ vào chọn đồ. Anh Quyết tiết lộ: “Lúc đó mình có thể ới mấy ông bạn qua uống cà phê, hoặc chờ lâu quá thì về nhà nằm ngủ khi nào vợ gọi thì chạy qua đón chứ các bà mà đi mua sắm lâu lắm. Mua sắm mà chồng đứng bên cau có, các bà cũng đâu vui”.
Hôm nào vợ nhõng nhẽo yêu cầu chồng đi cùng, anh Quyết gọi taxi, đến nơi là vào siêu thị ngay chứ không phải chật vật xuống hầm gửi xe.
Công đoạn làm nhiều người “đuối” nhất đi siêu thị vào dịp Tết nhất phải kể đến việc chờ tính tiền. Không ít người, mua sắm chán chê, thỏa sức chọn bao nhiêu là thứ chất đầy xe đến khi ra quầy thu ngân không đủ kiên nhẫn chờ thanh toán đành bỏ lại hết ra về tay không dù tiếc hùi hịu công sức đi chọn.
Bác Dần, nhà ở P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức cho hay, do bác đã lớn tuổi nên việc chờ đợi thanh toán tiền rất mệt nên mỗi lần đi siêu thị, bác luôn dẫn theo con hoặc cháu đi cùng. Cứ như vậy, một người đứng "xí chỗ" ở quầy tính tiền, còn người kia đi lấy hàng chất vào xe. Tính thế nào để mình mua xong là đến lượt tính tiền luôn, không phải chờ lâu.
Tuy nhiên theo bác Dần, người "xí chỗ" phải căn sao cho khéo để không ảnh hưởng hay cản trở đến khách hàng khác. “Nếu thấy người đi mua còn chọn thêm hàng nữa thì người đứng chờ nên lùi lại, nhường người phía sau lên trước. Mình chờ thêm một lượt cũng không sao”.
Bác Dần cũng khuyên các bà nội trợ, trước khi đi siêu thị nên lên danh sách các mặt hàng cần mua một cách rõ ràng theo từng nhóm hàng mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn tươi sống, rau quả… theo cách sắp xếp của siêu thị để lựa chọn được nhanh và không lo bị sót hàng.
Hoài Nam