Đủ chế tài cho các dự án nhà ở xã hội sai phạm

(Dân trí) - Các dự án nhà ở xã hội đều do nhà nước quản lý và được xây dựng với giá thành thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung. Liệu điều này có ảnh hưởng tới chất lượng công trình mà đối tượng thụ hưởng sẽ là những người có thu nhập thấp, công chức nghèo…

Ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo Dân trí xung quanh vấn đề này.
Đủ chế tài cho các dự án nhà ở xã hội sai phạm - 1
Chất lượng công trình luôn là vấn đề dư luận quan tâm (ảnh minh hoạ).
 
Theo ông, có sự khác biệt nào về chất lượng giữa nhà ở xã hội và các loại hình nhà ở khác như nhà ở thương mại, nhà ở công vụ…?
 
Chất lượng là sự thỏa mãn một nhu cầu nhất định, do vậy khi đã định sẵn một nhu cầu khác nhau thì sẽ tạo ra sự khác biệt về chất lượng.
 
Quy định pháp luật trong xây dựng giữa nhà ở xã hội và các công trình dân dụng khác không có sự khác biệt về chất lượng về độ an toàn chịu lực; nhưng sẽ có sự khác biệt về chất lượng mức độ hoàn thiện, tiện nghi sử dụng, sự quản lý trong khai thác.
 
Nhà ở xã hội được nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp với khả năng tài chính, đáp ứng nhu cầu phù hợp khi sử dụng.
 
Những yếu tố nào quyết định cho chất lượng công trình nhà ở xã hội?
 
Yếu tố quan trọng nhất đó là năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nếu năng lực quản lý dự án tốt thì các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng sẽ tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định hiện hành, trong đó có quản lý về chất lượng công trình xây dựng.
 
Thực tế, có nhiều chủ đầu tư không có đủ năng lực nhưng vẫn cứ thành lập Ban quản lý dự án, do vậy chất lượng công trình không cao, thậm chí bị vỡ tiến độ và khả năng giải ngân rất chậm, đây là do lỗi của Chủ đầu tư.
 
Khi đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, có những công trình chất lượng chưa tốt là do khi quyết định đầu tư đã lựa chọn mô hình quản lý dự án không phù hợp với năng lực quản lý dự án.
 
Vì vậy, chất lượng công trình kém có phần trách nhiệm khởi nguồn từ người quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, giao thầu theo hình thức chìa khoá trao tay, tổng thầu EPC còn rất ít khi được áp dụng ở nguồn vốn ngân sách.
 
Không thiếu các trường hợp nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện hành vi “rút ruột” công trình. Với các dự án nhà ở xã hội, điều này càng lo ngại hơn, ông nghĩ sao?
 
Dự án nhà ở xã hội có tỷ suất đầu tư thấp, khi thiết kế phải được tính toán và lựa chọn từ nhiều phương án để nhận được phương án tối ưu nhất có thể được. Nhà ở xã hội có thời gian bảo hành toàn diện thường là từ 36 hoặc 60 tháng và thông thường là công trình được bảo trì vĩnh viễn.
 
Nếu nhà ở xã hội là bán thì cũng là mua bán có điều kiện để được quản lý, bảo trì. Luật pháp hiện nay đang quy định khá chặt chẽ về quy trình quản lý chất lượng từ công tác nghiệm thu thì ai đó muốn “rút ruột” công trình đều phải được sự đồng thuận trực tiếp hoặc gián tiếp của Chủ đầu tư!
 
Chính phủ cũng đã quy định mức lợi nhuận từ việc xây dựng nhà ở xã hội lên tới 10% là khá cao trong tình hình hiện nay và như vậy thì khả năng Chủ đầu tư tổ chức “rút ruột” công trình nhà ở xã hội là rất thấp, vì nếu chất lượng công trình không tốt thì trong thời gian ngắn thì chính Chủ đầu tư lại phải tự bỏ kinh phí ra để bảo trì.
 
Nhưng nếu trong trường hợp việc “rút ruột” ấy ảnh hưởng tới chất lượng công trình thì sao?
 
Khi xảy ra sự cố về chất lượng công trình thì tất cả các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình (kể cả chủ quản đầu tư và Tư vấn độc lập chứng nhận công trình đủ điều kiện an toàn chịu lực) đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Ngoài việc phải bồi thường, phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn bị truy tố trước pháp luật. Người chịu trách nhiệm chính là chủ đầu tư. Chế tài hiện nay đã đủ mạnh.
 
Cái khó là sản phẩm xây dựng được tạo ra đến đâu thì được tổ chức kiểm tra và nghiệm thu đến đó, trong đó có sự chứng kiến hoặc nghiệm thu của Chủ đầu tư. Sau này bộc lộ chất lượng không tốt, Chủ đầu tư “sợ” trách nhiệm nên hay “ỉm đi” do vậy việc xử lý hay gặp khó khăn, gây bức xúc trong dư luận.
 
Như vậy thì vai trò quản lý chất lượng đối với các dự án nhà ở xã hội là rất quan trọng. Trong thời gian tới, Cục có đưa ra một quy trình nào mới không?
 
Việc quản lý chất lượng đối với các dự án nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng quan tâm sâu sắc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành một số Thông tư để hướng dẫn cho loại hình dự án này nhằm quản lý tốt nhất và thuận lợi nhất về chất lượng đầu ra của dự án và xác định đúng đối tượng được hưởng.
 
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang chỉ đạo Cục xem xét và đề xuất điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thực tế cũng như nâng cao trách nhiệm đối với xã hội về chất lượng công trình.
 
Nhưng nếu chỉ là việc thay đổi một số quy định thì cũng không thể giải quyết triệt để được những bất cập về chất lượng công trình. Theo ông, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để tránh tình trạng các nhà đầu tư, thi công công trình với chất lượng thấp?
 
Theo tôi, biện pháp hữu hiệu là phải tổ chức tốt công việc đấu thầu để giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay hoặc giao thầu theo hình thức Tổng thầu thiết kế - thi công - cung cấp thiết bị công nghệ. Vì công việc bảo hành và bảo trì nhà ở xã hội là lâu dài nên cần có càng ít nhà thầu càng dễ quản lý khai thác sau này.
 
Khi quy hoạch nhà ở xã hội cần quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng hệ thống giao thông công cộng, gắn kết với hạ tầng kỹ thuật xung quanh để nhà ở xã hội có thể xa trung tâm nhưng thuận tiện về sinh hoạt, giao thông công cộng…
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương