Quản lý quỹ nhà ở xã hội: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm!
(Dân trí) - Phát triển quỹ nhà ở cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ cấp bách để giải quyết chỗ ở cho các đối tượng chính sách. Vấn đề đặt ra là liệu việc quản lý khai thác quỹ nhà ấy có lặp lại giống như làng sinh viên Hacinco (Hà Nội) không?
Khai trương 1 dự án nhà ở xã hội.
Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp chiều 28/4 do bộ Xây dựng tổ chức, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Theo quyết định 65 của Thủ tướng mới ban hành thì, đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở sinh viên được phép kinh doanh các dịch vụ khác trong khu để tạo nguồn bù đắp cho chi phí quản lý vận hành và bào trì nhằm giảm giá thuê nhà ở. Trong khi đó, mô hình ở làng sinh viên Hacinco (HN) với rất nhiều các dịch vụ cho thuê từ nhà hàng, văn phòng, sân tennis… đã cho thấy nhiều bất cập. Quan điểm của bộ về vấn đề này như thế nào?
Các dự án nhà ở cho sinh viên lần này chủ yếu do nhà nước trực tiếp đầu tư, tiền của ngân sách. Còn ở làng sinh viên Hacinco, theo tôi được biết đó là tiền của doanh nghiệp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quyết định này. Đây là dự án của Hà Nội làm thí điểm cách đây nhiều năm, có nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh.
Vậy dự án do nhà nước trực tiếp đầu tư với một cơ chế tương đối “mở” cho đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở thì theo thứ trưởng, cần phải làm thế nào để quản lý nghiêm túc quỹ nhà ở cho đối tượng này?
Điều quan trọng nhất lúc này là cần tạo ra quỹ nhà, sau đó mới đến vấn đề quản lý. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Trong Nghị Quyết 18 về phát triển nhà ở do Chính phủ mới ban hành, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp. Xin thứ trưởng cho biết, làm thế nào để kiểm soát được việc không xảy ra tình trạng bán giá “ngầm”, nghĩa là người thu nhập thấp phải chi thêm?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. |
Nhưng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, theo quy định, các dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, được hưởng các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng…
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, giá bán tối đa cho người dân là 6 triệu đồng/m3 (tương đương khoảng 300 triệu đồng/căn hộ 50m2).
Người dân và doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng mua bán. Còn có giá “ngầm” hay không thì theo tôi việc này là khó vì đối tượng được thuê, thuê mua được quy định khá chặt chẽ như phải có dấu xác nhận mức thu nhập, có dấu UBND phường, cơ quan, công đoàn…
Nhưng cũng chỉ có thể làm đến thế được vì không tin được các cơ quan là chủ sử dụng lao đông, công đoàn thì biết tin ai. Người có thu nhập thấp cũng được quyền lựa chọn bất kỳ dự án nào mà họ thích. Nhưng việc giải quyết bây giờ là nhanh chóng đẩy số lượng nhà lên, càng nhiều càng tốt.
Theo thứ trưởng, làm thế nào để khuyến khích được các doanh nghiệp dành tối thiểu 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở thu nhập thấp trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha và dự án khu đô thị mới theo như Nghị quyết đề ra?
Chế tài dành 20% quỹ đất là chúng tôi học hỏi từ việc nhiều thành phố đã thực hiện đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng rút kinh nghiệm cách làm trước đây là có quỹ đất rồi để đấy.
Cụ thể tại Hà Nội hiện nay, trên 100ha đất thuộc diện này đang bỏ ngỏ, sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như đáng lẽ là nhà ở xã hội thì thành tái định cư…
Bây giờ, chính doanh nghiệp dành quỹ đất đó sẽ thực hiện xây dựng. Như vậy, họ sẽ có quy hoạch hợp lý trong dự án của mình.
Trong trường hợp chủ đầu tư không muốn xây thì lúc đó UBND cấp tỉnh giao cho nhà đầu tư khác đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp để cho thuê và thuê mua. Nhưng theo tôi, với cơ chế xây nhà ở thu nhập thấp như thế này thì các doanh nghiệp đã dành quỹ đất đều rất hứng khởi và đồng thuận vì họ vẫn có lợi nhuận.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về thị trường BĐS sau khi triển khai hàng loạt các dự án nhà ở xã hội?
Tôi nghĩ sẽ có tác động tích cực bởi có được một nguồn cung lớn về nhà ở được đổ vào trong 2 năm tới, đáng kể là khoảng 8.000 tỷ đồng đổ vào xây dựng nhà ở cho sinh viên, việc xây dựng nhà công nhân thu nhập thấp cũng sẽ lôi kéo nhiều nguồn vốn của doanh nghiệp vào xây nhà.
Không những vậy, việc phát triển mạnh về nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp sẽ tạo ra thị trường cho đối tượng này, đồng thời không bị sức ép vào phân khúc thị trường khác như sinh viên không phải thuê nhà ở thương mại, lượng nhà dân mua để cho thuê cũng giảm đi.
Đặc biệt, cầu của thị trường BĐS thật hơn, kinh doanh đầu cơ cũng giảm.
Xin cám ơn ông!
Lan Hương