Dự báo mới về chia cổ tức ngân hàng năm nay
Nếu như những năm trước đây cổ đông ngân hàng thường mòn mỏi ngóng chờ chia cổ tức của các nhà băng, trong đó không ít cổ đông chán ngán với việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thì năm nay nhiều ngân hàng chia cổ tức tiền mặt. Lợi ích cổ đông ổn hơn.
Tháo gỡ cho ngân hàng thương mại Nhà nước
VietinBank mới đây công bố tài liệu họp ĐHCĐ năm 2021. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức trên 12% cho lợi nhuận năm 2021, trong đó chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và phần còn lại dự kiến chia toàn bộ bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý là trước đó không lâu ngân hàng này cũng đã thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt (5%) cho cổ đông, tương đương với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng. Còn phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 28,7899% hoàn tất vào quý I/2021.
Không như Vietcombank và BIDV đã duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt từ 7-8%/ năm trong suốt 5 năm, VietinBank vì những khó khăn nội tại của mình đã không thể chia cổ tức trong giai đoạn 2017-2019, dù trước đó ngân hàng này cũng thường chia cổ tức bằng tiền mặt từ 7-10% từ năm 2015 trở về trước.
Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu lại bị vướng quy định do ngân sách Nhà nước không thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM, chỉ đến khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được sửa đổi gần đây mới tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ mới được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn.
Đơn cử như BIDV mới đây cũng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III - IV/2021. Trước đó, đầu năm 2021, BIDV cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021 vừa qua.
Lại nhận cổ tức bằng cổ phiếu: Không thành vấn đề?
Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân còn khắt khe hơn, khi không ít nhà băng trong nhiều năm thường không chia cổ tức, mà giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh doanh. Nếu có chia cũng thường chia bằng cổ phiếu, nhất là khi NHNN thường đề nghị các nhà băng này không chia cổ tức bằng tiền mặt, nhằm tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Hầu hết các nhà băng TMCP tư nhân gần như chỉ duy trì chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu trong suốt nhiều năm, mà đã khiến không ít cổ đông chán nản và bức xúc trong các cuộc họp ĐHCĐ thường niên hàng năm, dẫn đến không khí căng thẳng luôn chực chờ tại mỗi mùa đại hội cổ đông ở các ngân hàng.
Theo đó, ngoại trừ MB thỉnh thoảng chia cổ tức bằng tiền mặt, hầu hết các ngân hàng TMCP tư nhân gần như chỉ duy trì chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu trong suốt nhiều năm, đã khiến không ít cổ đông chán nản và bức xúc trong các cuộc họp ĐHCĐ thường niên hàng năm, dẫn đến không khí căng thẳng luôn chực chờ tại mỗi mùa đại hội cổ đông ở các ngân hàng.
Trong năm 2021, các ngân hàng TMCP tư nhân này dự kiến sẽ tiếp tục chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt. Như ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) diễn ra vào ngày 24/3 vừa qua , ban lãnh đạo đã trình đại hội phương án chia cổ tức tối thiểu 15%. Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, ngân hàng dự kiến chia cổ tức ở mức khoảng 25% trong năm nay.
Với ngân hàng SHB, dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu trong năm 2021, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Ngân hàng ACB dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng.
Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Thực tế trước nỗi lo ngại nợ xấu có thể gia tăng trở lại, nhất là những khoản vay đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 trong năm vừa qua và đang thuộc diện tái cơ cấu, đang tạo ra không ít thách thức cho ngành ngân hàng. Do đó, hầu hết các ngân hàng cũng không muốn chia cổ tức bằng tiền mặt để có nguồn lực gia tăng dự phòng rủi ro trong hoạt động.
Ngoài ra, 70 - 90% thu nhập của các ngân hàng vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy, để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, các ngân hàng phải tăng vốn ở tốc độ tương tự. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.
Tuy nhiên, một điểm mới nữa trong năm nay là cổ đông cũng không còn quá phiền lòng khi phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu, do giá nhiều cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đã tăng rất mạnh và cao hơn nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thống kê cho thấy có đến 21/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong quý 1/2021, trong đó có 4 cổ phiếu tăng trên 50%. Với đà đi lên tích cực của thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục dẫn sóng kéo chỉ số chung lên tầm cao mới.