Dự án xăng dầu vi phạm đã được hợp thức hóa?
(Dân trí) - Chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Điều lạ là thay vì xử lý những vi phạm thì mới đây, tỉnh Thanh Hóa lại có quyết định kiểu “hợp thức hóa” cho dự án vốn có vi phạm này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ngày 17/4, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 1358/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất Bến xe phía Bắc cũ cho Công ty cổ phần quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa (chủ đầu tư) thuê đất để xây dựng cửa hàng xăng dầu tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa (dự án).
Theo đó, cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng 772,3 m2 đất tại Bến xe phía Bắc cũ thuộc phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa từ đất giao thông sang đất thương mại dịch vụ.
Đồng thời, cho thuê 900 m2 đất (gồm 127,7 m2 đất đã được UBND thành phố Thanh Hóa thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng xong và 772,3 m2 nêu trên) tại phường Đông Thọ để xây dựng cửa hàng xăng dầu loại III.
Thời hạn thuê đất là 50 năm tính từ ngày ký quyết định này theo hình thức nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Ông Quyền giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ đầu tư sau khi đơn vị hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...
Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa, UBND phường Đông Thọ theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định khác của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai và bảo vệ môi trường.
Thật lạ lùng khi đến thời điểm này (ngày 17/4/2019), tỉnh Thanh Hóa mới có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất Bến xe phía Bắc cũ và cho chủ đầu tư thuê đất để xây dựng cửa hàng xăng dầu.
Và địa phương này cũng đang yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm các thủ tục cho chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất cũng như một số thủ tục khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng các công trình trên phần diện tích đất nêu trên và đưa dự án vào hoạt động được một thời gian dài.
Theo tư liệu phóng viên Dân trí tìm hiểu, ngày 22/11/2017, bà Lê Thị Thìn ký quyết định chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư xây dựng dự án nêu trên.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trên diện tích 900 m2 trong thời gian 12 tháng. Tuy nhiên, quá thời hạn theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.
Và chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa 2 lần “ưu ái” cho gia hạn thời gian hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án.
Trần Lê