Dự án tỷ USD ám ảnh ô nhiễm môi trường: Giữ đất lành cho chim đậu

2016 có thể được coi là năm của các “sự kiện” nóng bỏng về môi trường. Những dự án đầu tư lên đến hàng tỷ đô la cứ cập bến, nhưng đất liền, sông hồ cho đến biển khơi lại phải đối mặt với nỗi lo bị đầu độc. Đất lành chim đậu. Nếu không hành động từ bây giờ để có biển sạch, đất lành, chỉ e một ngày từng đàn chim cứ thế bay đi. Đó là cái giá quá đắt cho sự phát triển kinh tế và chẳng người dân nào muốn trả.

Áp lực môi trường ngày càng lớn

Phát biểu tại một hội nghị lớn sau “sự cố Formosa” xả thải, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ “Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”.

Thủ tướng chỉ đạo: “Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường. Kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường”.

Thông điệp trước sau như một ấy đã được Thủ tướng tuyên bố xuyên suốt các diễn đàn và được nhiều nhà đầu tư dẫn lại như một lời cam kết môi trường mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nơi quản lý hàng loạt ngành nghề chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn môi trường như thép, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất… cũng không ít lần phải nhấn mạnh cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”, “kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm”...

Bộ trưởng cũng không khỏi “đau lòng”, “chua xót” khi thấy dân thấp thỏm, rùng mình sống chung với nhiệt điện, với nguy cơ ô nhiễm.


Thảm họa môi trường do Formosa gây ra để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thảm họa môi trường do Formosa gây ra để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế, chưa bao giờ vấn đề môi trường lại “nóng bỏng” như năm 2016 với dồn dập các thông tin khiến dư luận dậy sóng.

Điển hình nhất là vụ việc thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường làm ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, làm hải sản chết hàng loạt, đời sống của người dân lao đao vì mất sinh kế. Chưa kể, hiện tượng cá chết hàng loạt ở khắp nơi, kể cả ở Hồ Tây (Hà Nội) đã khiến nỗi ám ảnh ô nhiễm không dứt.

Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án giấy Lee&Man ở Hậu Giang . Dù chưa đi vào vận hành chính thức, nhưng dự án này đã khiến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản “đứng ngồi không yên” vì lo ngại nhà máy xả thải làm chết tôm cá.

Rồi đến chuyện Bình Thuận muốn cắt hơn 1.000 ha khu bảo tồn biển Hòn Cau để “nhường” cho trung tâm nhiệt điện tỷ đô Vĩnh Tân…

Bên cạnh đó, năm 2016 liên tiếp nhiều siêu dự án có số vốn “khổng lồ” được các DN đề xuất đã dấy lên những tranh luận và lo ngại về môi trường. Đó là siêu dự án giao thông thủy điện sông Hồng với vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,1 tỷ USD, là dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (giai đoạn 1 là 500 triệu USD)…

Khẩn cấp cứu môi trường

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, khi đến lượt phát biểu, ông Ken Atkinson, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc đã giãi bày nỗi quan ngại môi trường của nhiều thành viên hiệp hội này.

Dự án tỷ USD ám ảnh ô nhiễm môi trường: Giữ đất lành cho chim đậu - 2

Ông Ken Atkinson bộc bạch: Nhiều thành viên của chúng tôi đã bày tỏ quan ngại về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông và ngập lụt, đang trở nên ngày càng trầm trọng ở Việt Nam. Mức độ ô nhiễm không khí đang tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động.

"Điều này sẽ có tác động tới những người muốn chuyển gia đình đến sinh sống tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", ông Ken Atkinson nói.

Nhiều lãnh đạo các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng đặt vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là việc hệ trọng. Họ đều đề nghị Chính phủ nhanh chóng xử lí vấn đề ô nhiễm “một cách cấp bách và không khoan nhượng”. Vì rằng, càng ngày áp lực giữa phát triển kinh tế và môi trường càng lớn nhưng sự phát triển nhanh chóng không cần thiết phải kéo theo các rủi ro về môi trường và sức khỏe của người dân.

PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế môi trường (Đại học Kinh tế quốc dân) từng đưa ra cảnh báo khiến nhiều người chú ý. Đó là “cứ đà này Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc”, nhưng đó lại là mức vượt về… ô nhiễm môi trường chứ không phải về kinh tế.

“Hiện nay Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”, PGS.TS Đinh Đức Trường đưa ra lời cảnh báo.

Cũng không thể quên được lời tiết lộ đầy lo âu của vị Chủ tịch Dragon Capital trong diễn đàn VBF, ông Dominic Scriven: Rất tiếc phải thông báo rằng, vừa rồi, nhà đầu tư lớn nhất của công ty Dragon chúng tôi đã thông báo quyết định của họ là rút ra khỏi thị trường Việt Nam.

Lý do được Chủ tịch Dragon Capital tiết lộ là vì “thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường”.

Chia sẻ của ông Dominic chắc hẳn là tín hiệu không thể xem nhẹ. Đất lành chim đậu. Nếu không hành động từ bây giờ để có biển sạch, đất lành, chỉ e một ngày từng đàn chim cứ thế bay đi.

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet