1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự án... treo hơn 2 thập kỷ "hành" dân

(Dân trí) - TPHCM hiện có hàng chục dự án với quy lên đến cả trăm ha nhưng trong tình trạng "trơ gan cùng tuế nguyệt". Những dự án "treo" từ vài năm đến hơn 2 thập kỷ đã khiến cuộc sống của người dân điêu đứng.

Bồi thường 3.000 tỷ đồng vì... "treo"

Nhằm phát triển bộ mặt của khu đô thị bậc nhất cả nước, thời gian qua, TPHCM quy hoạch nhiều dự án "khủng". Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn khá nhiều dự án quy hoạch với quy mô mỗi dự án lên đến hàng trăm ha, kéo dài hàng chục năm vẫn chưa được triển khai.

Những dự án "treo" này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, các điều kiện khác của hàng chục ngàn người dân. Chất lượng cuộc sống của người dân trên các dự án "treo" đang rơi vào cảnh bấp bênh, không lối thoát.

Điển hình của những dự án... treo "hành" dân chính là Khu E khu Đô thị Nam Sài Gòn do Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án treo tại TPHCM đang khiến cuộc sống người dân khốn đốn
Nhiều dự án treo tại TPHCM đang khiến cuộc sống người dân khốn đốn

Dự án triển khai hơn 20 năm qua nhưng vẫn "trùm mền". Mới đây, UBND huyện Bình Chánh đã yêu cầu UBND xã An Phú Tây phối hợp cùng với các đơn vị, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Mặt trận Tổ quốc xã và đại diện những người bị thu hồi đất tổ chức niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của các hộ dân xung quanh vấn đề bồi thường tại dự án này.

UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo: "Thông qua cuộc tiếp xúc, các bên sẽ chính thức bàn bạc về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và phương án đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp bị ảnh hưởng, xử lý các vấn đề liên quan một cách hợp lý cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực".

Dự án khu E khu Đô thị Nam Sài Gòn được quy hoạch từ năm 1992 trên tổng diện tích 81ha. Trong đó, diện tích đã được bồi thường khoảng 21,6 ha, còn lại gần 60 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 686 trường hợp, chi phí dự trù cho việc bồi thường khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo như dự kiến ban đầu, đất khu vực giáp Quốc lộ 1A nhận mức bồi thường khoảng 16 triệu đồng/m2, đất phi nông nghiệp 9,1 triệu đồng/m2, đất trồng cây lâu năm đền bù 2 triệu đồng/m2, đất trồng cây hàng năm được đền bù 1 triệu đồng/m2. Diện tích đền bù nhiều nhất là đất nông nghiệp, hơn 50ha.

Dù được phê duyệt dự án "khủng" như thế nhưng trong 24 năm qua, trên dự án này, người dân không được xây nhà, chuyển mục đích sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

"Việc khu quy hoạch treo kéo dài hơn 2 thập kỷ dẫn đến hệ lụy là kinh tế đình trệ, hạ tầng, giao thông xuống cấp, tình trạng chất lượng dân cư ở khu vực thấp hơn nhiều so với xung quanh", anh T.V.Đ, người dân trong dự án than thở.

Dự án khủng... "đắp chiếu"

Không chỉ riêng dự án khu E khu Đô Thị Nam Sài Gòn, tại TPHCM hiện đang có hàng chục dự án với quy mô lên đến cả trăm ha nhưng bị "treo" lâu năm khiến người dân lao đao.

Đơn cử như dự án Bình Quới - Thanh Đa tại quận Bình Thạnh. Dự án này do Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn tiếp nhận từ năm 2004 với mong muốn “biến” khu đất này thành trung tâm văn hóa - thể thao - du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Thế nhưng kể từ khi dự án được thông qua, đến nay đã hơn chục năm nhưng vẫn "giậm chân tại chỗ".

Một dự án “treo” khác cũng làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ dân suốt 17 năm nay, đó là khu quy hoạch hồ sinh thái Vĩnh Lộc thuộc địa bàn 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai, thuộc huyện Bình Chánh. Dự án này có tổng diện tích hơn 369 ha do Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh nhận bàn giao vào năm 1999.

Hàng trăm hộ dân phải tạm trú trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ
Hàng trăm hộ dân phải tạm trú trong những ngôi nhà rách nát, tạm bợ

Nhằm tìm phương án "giải cứu" người dân khỏi các dự án treo, Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM vừa đưa ra dự thảo thay thế Quyết định 33/2014 về phân lô, tách thửa.

Điểm nổi bật ở dự thảo này là đã bổ sung thêm quy định hết sức cần thiết cho phép người dân có đất được quyền tách thửa kể từ sau 3 năm trở lên ở các dự án quy hoạch treo, dù chưa có quyết định thu hồi hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ.

Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM đã chuyển nội dung dự thảo đến tất cả các quận, huyện, ban ngành liên quan trên địa bàn để lấy ý kiến về quy định tách thửa. Sau đó, những ý kiến phản hồi sẽ được Sở trình lên UBND TPHCM chờ phê duyệt.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm