1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự án giao thông chậm tiến độ: Không chỉ lỗi dưới đất, mà còn tại… ông trời

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Dự án kết nối giao thông phía Bắc, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, quốc lộ 24 (QL), QL 25, QL 27… đều chưa thể hoàn thành theo kế hoạch do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) và thời tiết mưa nhiều.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa thông tin về công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án trọng điểm 6 tháng đầu năm và kế hoạch khởi công, khánh thành các dự án trọng điểm 6 tháng cuối năm, trong đó nêu rõ tình hình từng dự án. Cụ thể:

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Gồm 11 dự án, trong đó 7 dự án đang triển khai thi công, 4 dự án dự kiến khởi công trong những tháng tới.

Đối với 7 dự án đang thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ, một dự án mới khởi công tháng 5, còn 4 dự án chậm so với kế hoạch từ 0,5 - 2% nguyên nhân chậm chủ yếu do khó khăn vật liệu đất đắp và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Mặt bằng đã bàn giao đạt hơn 92%, dự kiến hoàn thành trong quý III. Hiện dự án đã triển khai 3/3 gói thầu, sản lượng thi công đến tháng 6đạt 3,65%.

Bộ GTVT đã chỉ đạo và Ban Quản lý dự án (QLDA) đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, An Giang để giải quyết khó khăn cát đắp, đến nay khối lượng cát đến công trường đã được cải thiện, tuy nhiên còn chậm, dự kiến trong tháng 7 này sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cùng đó, Ban QLDA tiếp tục làm việc với địa phương để sớm hoàn thành giải phóng bằng (GPMB) và giải quyết khó khăn nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Dự án giao thông chậm tiến độ: Không chỉ lỗi dưới đất, mà còn tại… ông trời - 1

Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra (Ảnh: Đỗ Quân). 

Dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách: 10 dự án đường bộ thuộc danh mục quan trọng, cấp bách đã có 3 dự án hoàn thành. Trong số 7 dự án đang triển khai thi công thì có 4 dự án chậm tiến độ như: QL 53, QL 24, QL 25 và QL 27, chủ yếu do GPMB chậm và nhà thầu chưa quyết liệt thi công. Các dự án chậm, Bộ GTVT đã họp với lãnh đạo các tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu có giải pháp thi công bù lại khối lượng chậm, bổ sung nhà thầu phụ (nếu cần) để bảo đảm tiến độ các dự án.

Đường sắt có 4 dự án với 36 gói thầu xây lắp, đã triển khai 31 gói thầu; còn lại 5 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến khởi công tháng 7 này, 3 gói thầu không có nhà thầu tham gia.

Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư làm việc cụ thể với các địa phương để giải quyết về GPMB; chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công từng tháng, từng quý; chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý ngay các nhà thầu chậm tiến độ như điều chuyển khối lượng cho các thành viên liên danh.

Nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các dự án, Bộ GTVT cho biết, hầu hết các dự án đều không được bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ đề ra. Việc chậm GPMB sẽ gây ảnh hưởng, kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào khai thác, phát sinh chi phí bù trượt giá, chi phí tư vấn giám sát, chi phí quản lý dự án...

Theo Bộ GTVT, GPMB chậm cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình do mặt bằng thi công bị gián đoạn, bàn giao kiểu "xôi đỗ", công địa thi công không đảm bảo cho dây chuyền máy móc thiết bị thi công, đặc biệt các dự án quan trọng như đường cao tốc.

Về tiến độ, Bộ GTVT thừa nhận vẫn còn tình trạng chậm khởi công chủ yếu do tư vấn thiết kế chậm hoàn thành hồ sơ thiết kế, dự toán; chậm hoàn thành tại một số dự án như: Dự án kết nối giao thông phía Bắc, dự án kết nối giao thông Tây Nguyên, QL 24, QL 25, QL 27 do GPMB chậm, ảnh hưởng thời tiết như khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thiếu nguồn vật liệu đắp, giá cả vật liệu xây dựng biến động lớn như giá thép, giá vật liệu đắp...

Về chất lượng, Bộ GTVT cho biết 6 tháng đầu năm các dự án hoàn thành đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo quy định; các dự án đang triển khai chưa phát hiện có vi phạm về chất lượng. Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý các chủ đầu tư hoặc Ban QLDA cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án, tiến độ là quan trọng, nhưng chất lượng là hàng đầu.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư hoặc Ban QLDA thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các tồn tại về trình tự thi công, chất lượng vật tư, vật liệu đầu vào… để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng.

Trong 6 tháng qua, Bộ GTVT ban hành các văn bản yêu cầu chấn chỉnh, phê bình 23 trường hợp, trong đó có 10 chủ đầu tư và Ban QLDA; 3 tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế; 10 nhà thầu thi công. 

Đề xuất cơ chế đặc thù vật liệu cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Bộ GTVT đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án này do liên quan đến nguồn vật liệu cát đắp nền đường phục vụ thi công. Bộ GTVT cho biết, nhu cầu của dự án cần khoảng 2 triệu m3, tuy nhiên nguồn vật liệu cát tại địa phương và các vùng lân cận đang trong giai đoạn rất khan hiếm.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng Nghị quyết 60 ngày 16/6 về việc áp dụng "cơ chế đặc thù" trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 đối với các địa phương Đồng Tháp và An Giang để đáp ứng vật liệu cát cung cấp cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.