1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự án điện khí Bạc Liêu 4 tỷ USD: Dự kiến phát điện vào năm 2024

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Chiều ngày 3/8, tỉnh Bạc Liêu cùng nhà đầu tư có buổi làm việc sơ kết 6 tháng triển khai Dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, với số vốn khoảng 4 tỷ USD.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết, sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch Điện VII quốc gia, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án vào giữa tháng 1/2020.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành công tác khảo sát, tư vấn lập các hồ sơ về lưới điện, đánh giá tác động môi trường, đất đai, giải phóng mặt bằng...

Dự án điện khí Bạc Liêu 4 tỷ USD: Dự kiến phát điện vào năm 2024 - 1

Đại diện nhà đầu tư thông tin về tiến độ thực hiện dự án.

Về phía nhà đầu tư, theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, trong lĩnh vực tài chính, nhà đầu tư là Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (DOE) và Công ty tư vấn tài chính Delphos International đã hoàn thiện và gửi hồ sơ đăng ký chương trình tài trợ không hoàn lại của Cục Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ USTDA. Hồ sơ tài trợ đang được Chính phủ Hoa Kỳ thẩm định và phê duyệt. Đây là một tiến triển mới tích cực sau khi dự án đã được phê duyệt vào chương trình vận động chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ từ tháng 10/2019.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã phối hợp với các đơn vị đối tác triển khai thực hiện các vấn đề liên quan dự án, như: Kho nổi LNG, đường ống dẫn khí, nghiên cứu hàng hải, khảo sát tuyến đường vận chuyển thiết bị siêu trường - siêu trọng, nguồn cung LNG, nhà máy điện, bảo hiểm rủi ro, pháp lý,…

“Có thể nói trong 6 tháng qua, các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, mọi công việc đều đáp ứng tiến độ, yêu cầu đề ra, cũng như cam kết phối hợp của tỉnh và nhà đầu tư”, ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương Bạc Liêu cũng cho rằng, đây là một trong những dự án điện khí LNG đầu tiên của cả nước được bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nên dự án phải vượt qua nhiều thủ tục chưa có tiền lệ; đồng thời phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ (hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 trong năm 2024) và giá bán điện (yêu cầu khoảng 7 UScent/kWh) nên áp lực đối với dự án là rất lớn.

Tuyến đường dây 500 kV (trong đó quan trọng nhất là hạng mục có tổng chiều dài 289 km, nối từ Bạc Liêu - Thốt Nốt - Đức Hòa - Cầu Bông) phục vụ đấu nối giải tỏa công suất dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nên cần phải có sự ủng hộ và thỏa thuận thống nhất của các địa phương, như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang,…

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã trở lại và đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo kế hoạch.

Ông Trương Công Định, Giám đốc Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, cũng trình bày nhiều kiến nghị liên quan đến dự án còn vướng mắc với UBND tỉnh Bạc Liêu để phối hợp triển khai tháo gỡ.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, đại diện nhà đầu tư cũng cam kết sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.

Dự án điện khí Bạc Liêu 4 tỷ USD: Dự kiến phát điện vào năm 2024 - 2

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nêu một số giải pháp của tỉnh đối với dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, Dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG là dự án động lực không chỉ riêng của tỉnh Bạc Liêu mà còn của cả khu vực ĐBSCL. Do đó, với tỉnh là quyết tâm rất lớn.

Theo ông Trung, đến năm 2024 là dự án phải phát lên lưới điện, nếu không được thì không hoàn thành nhiệm vụ theo như cam kết với Thủ tướng.

Do đó, Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, nhà đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thành các thủ tục, đưa vào thi công dự án, đảm bảo đúng tiến độ.

Dự án điện khí Bạc Liêu 4 tỷ USD: Dự kiến phát điện vào năm 2024 - 3

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu các bên liên quan cần quyết liệt triển khai dự án.

Ông Lữ Văn Hùng, UVTWĐ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, yêu cầu, để dự án triển khai tiếp theo thời gian tới, các sở, ngành tỉnh phải cụ thể thời gian từng công việc;  giữa tỉnh và nhà đầu tư phải thống nhất công việc của mỗi bên.

"Đã có cam kết với Thủ tướng rồi thì trách nhiệm của chúng ta phải quyết liệt. Những gì vướng với cấp Bộ, ngành Trung ương thì tỉnh sẽ làm việc, còn cấp địa phương thì tỉnh sẽ chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án", ông Hùng khẳng định.

Bí thư Bạc Liêu cũng đề xuất giữa các bên nên ngồi lại, thậm chí không cần tổ chức cuộc họp mà có thể trao đổi qua nhiều kênh sau mỗi thời điểm nhất định như 3 tháng hoặc 6 tháng, để rà soát lại những vấn đề làm được, chưa được để có hướng tháo gỡ kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm