Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp gần nhất

(Dân trí) - Đánh giá cao tốc Bắc - Nam là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với dự án này tại kỳ họp gần nhất.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 lên tới 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn ngân sách trung ương cho cả giai đoạn là 1,12 triệu tỷ đồng (vốn trong nước là 820.000 tỷ đồng, bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ; vốn nước ngoài là 300.000 tỷ đồng).

Trong phần vốn trái phiếu Chính phủ 200.000 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến sẽ dành 70.000 tỷ đồng cho một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam và 5.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Cần 230.000 tỷ đồng để làm cao tốc Bắc - Nam
Cần 230.000 tỷ đồng để làm cao tốc Bắc - Nam

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đánh giá, dự án đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông) là dự án có quy mô rất lớn (tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng - PV), tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia.

Do đó, để bảo đảm chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực, đúng thẩm quyền theo Luật Đầu tư công, Ủy ban đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với dự án này tại kỳ họp gần nhất.

"Có ý kiến đề nghị trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông) cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế, phân kỳ và ưu tiên đầu tư các đoạn, tuyến bức thiết trước", ông Hải lưu ý thêm.

Liên quan tới một số dự án khác (dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh...), Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chí dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là dự án trọng điểm quốc gia theo quy định, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với từng dự án.

Theo đánh giá Ủy ban TCNS về tờ trình của Chính phủ thì danh mục dự án dự kiến được bố trí vốn còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu, chưa hợp lý. Theo đó, nhiều dự án có thời gian hoàn thành trong 2016-2020 song dự kiến bố trí vốn chưa đủ so với tổng mức đầu tư, chưa có phương án huy động nguồn lực khác. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vốn, dở dang.

Bên cạnh đó, một số dự án dở dang được đề nghị tiếp tục đầu tư song chưa được làm rõ phần vốn còn thiếu, một số dự án có quy mô vốn lớn song dự kiến số vốn phân bổ thấp, chưa hợp lý...

Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện danh mục, báo cáo rõ danh mục và phương án dự kiến phân bổ vốn cho các dự án, xác định rõ công trình thuộc diện trọng điểm quốc gia; các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ, ODA,... bảo đảm các dự án trong danh mục phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc, tiêu chí luật định.

Trong tờ trình gửi lên Quốc hội, Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực giao thông, dự kiến sẽ hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn bộ tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, nhánh phía Đông, dài 1.814 km. Dự án đi theo hướng Quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.624 km.

Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội - Cà Mau, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên cũng sẽ được hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến trong giai đoạn này.

Chính phủ cũng dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 1.300 - 1.800 km đường cao tốc, hệ thống quốc lộ tiếp tục được đầu tư đưa vào sử dụng với tổng chiều dài khoảng 3.600 km đường quốc lộ... Hoàn thành và đưa vào khai thác 01 cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng, khu bến cảng cái Mép - Thị Vải thuộc cảng biển Vũng Tàu, hoàn thành nạo vét tuyến Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.

Giai đoạn này, Chính phủ cũng lên kế hoạch bố trí được một phần vốn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, dành một phần vốn trái phiếu Chính phủ để góp một phần vốn nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển đoạn qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Bố trí đủ vốn để hoàn thành một số đoạn tuần tra biên giới cấp bách phần giáp biên giới Campuchia.

Bích Diệp