Dự án Bright City: Chủ đầu tư “dọa” thanh lý hợp đồng, cư dân tuyệt vọng, kêu cứu

(Dân trí) - Trong vụ việc cư dân "kêu cứu" ở dự án Bright City, luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, cơ quan nào cho phép việc chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội đối với dự án cũng phải có trách nhiệm, đứng lên phối hợp cùng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cư dân...

Khách hàng tiếp tục “kêu cứu” tại dự án nhà ở xã hội Bright City hôm 19/3.
Khách hàng tiếp tục “kêu cứu” tại dự án nhà ở xã hội Bright City hôm 19/3.

Ngày 19/3, những khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Bright City lại tiếp tục tập trung căng băng rôn “kêu cứu”. Việc này đã diễn ra nhiều lần trước đó nhưng những bức xúc của cư dân vẫn chưa được giải quyết.

Thậm chí theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long muốn dừng thi công dự án và thanh lý hợp đồng mua bán nhà với khách hàng.

“Dự án Bright City là dự án nhà ở xã hội được chúng tôi ký hợp đồng mua nhà từ tháng 11/2015. Hạn bàn giao nhà quý 4/2017. Tuy nhiên, kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng đã bị đổ vỡ khi chủ đầu tư thi công chậm chạp, dự án rơi vào bế tắc. Đến hôm 14/3 vừa qua chủ đầu tư đã triệu tập gặp khách hàng để thông báo muốn thanh lý hợp đồng”, một cư dân ngậm ngùi chia sẻ.

Vị này cho hay, nhiều cư dân “lặng người” đi trước thông tin này. Trong khi đó, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết dự án gặp khó khăn về tài chính.

Theo giải thích của vị này, chính sách vay 30.000 tỷ đồng của Chính phủ chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư không tiếp tục được vay ưu đãi phần còn lại, cơ chế cho vay tiếp theo không thực hiện được.

Để duy trì dự án, doanh nghiệp đã phải xoay sở nguồn vốn thông qua các gói vay thương mại của ngân hàng. Việc duy trì gói vay thương mại khiến chủ đầu tư ngày càng khó khăn về tài chính. Điều đó khiến trước Tết Nguyên đán, dự án đã dừng thi công không lý do.

Người mua nhà tại dự án nhà xã hội Bright City chủ yếu là những người dân có thu nhập thấp, tiền mua nhà chủ yếu phải vay ngân hàng.
Người mua nhà tại dự án nhà xã hội Bright City chủ yếu là những người dân có thu nhập thấp, tiền mua nhà chủ yếu phải vay ngân hàng.

Trong khi đó, tại cuộc họp với cư dân ngày 19/3, ông Vũ Trung Tùng, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Tây Hà Nội cho biết, chưa biết việc Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long thông báo yêu cầu cư dân thanh lý hợp đồng. Được biết, các bên sẽ có một buổi họp nhằm thống nhất một số nội dung vào ngày 28/3 sắp tới.

Cư dân phải làm gì nếu chủ đầu tư muốn thanh lý hợp đồng?

Trao đổi với Dân trí, luật sư Nguyễn Minh Anh – Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho biết việc chủ đầu tư muốn thanh lý hợp đồng nhà đang xây dở như trường hợp dự án Bright City là khá hy hữu.

“Trong vụ việc này, việc đầu tiên cần làm đó là xem lại hợp đồng căn hộ hình thành trong tương lai đã ký với chủ đầu tư xem có điều khoản nào cho phép được huỷ hợp đồng như vậy không”, luật sư Nguyễn Minh Anh nói.

Theo luật sư, nếu trong trường hợp không có quy định về vấn đề này thì vẫn có thể tiến hành thanh lý trong trường hợp khách hàng đồng ý, hai bên thương lượng, đàm phán với nhau. Tuy nhiên bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên đó phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra chủ đầu tư cũng phải chịu phạt.

“Trong trường hợp không đàm phán được thì cư dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra toà”, luật sư Nguyễn Minh Anh cho biết. Tuy nhiên theo vị này, đối với một doanh nghiệp đang quá khó khăn về tài chính thì việc đòi được đầy đủ quyền lợi bao gồm cả bồi thường và tiền phạt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó theo luật sư Nguyễn Minh Anh, cơ quan nào cho phép việc chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội cũng phải có trách nhiệm, đứng lên phối hợp cùng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cư dân. Đồng thời rà soát lại vấn đề tài chính của dự án, kiểm tra lại dòng tiền huy động của khách hàng có được sử dụng đúng quy định không.

“Nếu chủ đầu tư thực sự khó khăn thì nên xem xét nhiều biện pháp như chuyển nhượng dự án hay phối hợp với các bên như ngân hàng để xem xét có thể giải quyết được khó khăn không. Không thể bỏ mặc người dân được”, luật sư nêu quan điểm.

Cũng từ vụ việc này, luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, để kiểm soát tối đa rủi ro khi mua nhà trên giấy thì điều đầu tiên đó là phải chọn chủ đầu tư có uy tín, có năng lực tài chính. Ngoài ra phải xem xét kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký kết.

Được biết, dự án Bright City là dự án nhà ở xã hội trọng điểm, nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ theo Nghị Quyết số 02/NQ-CP của Chính Phủ. Dự án được khởi công từ tháng 11/2014 và chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cam kết hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà vào quý IV/2017.

Đã có hơn 500 khách hàng mua nhà tại dự án Bright City (AZ Thăng Long). Dự án AZ Thăng Long gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng với 1.496 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân.

Nguyễn Khánh

Dự án Bright City: Chủ đầu tư “dọa” thanh lý hợp đồng, cư dân tuyệt vọng, kêu cứu - 3