1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự án 8.000 tỷ đồng “đắp chiếu”, vẫn xin thêm hỗ trợ là sao?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng việc Thủ tướng không đồng ý “ném” thêm 1.000 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) là hợp lý.

“Những người đứng đầu TISCO có dám khẳng định sẽ có lãi nếu Chính phủ đồng ý bỏ thêm 1.000 tỷ đồng vào dự án mở rộng Nhà máy ở giai đoạn 2 của TISCO? Thực tế thì họ không dám chắc chắn là có lãi. Vấn đề là nằm ở chỗ họ đầu tư một cách thờ ơ, vô cảm. Họ đầu tư xong, nếu không có lãi thì lại bảo không có trách nhiệm và đổ tại giá thép thế giới xuống”, ông Kiên phân tích.

Chiều ngày 12.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ không tiếp tục “ném” nghìn tỷ vào dự án của TISCO. “Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”, Thủ tướng khẳng định.


Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn hơn 8.000 tỷ đồng vẫn đắp chiếu

Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn hơn 8.000 tỷ đồng vẫn "đắp chiếu"

Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 9.2007 nhưng liên tiếp chậm tiến độ do các vấn đề liên quan tới vốn và nhà thầu. Đến tháng 6.2012, do thiếu vốn nên các nhà thầu đã dừng thi công, rút quân khỏi hiện trường.

Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt năm 2005 là 3.843 tỷ đồng nhưng do chậm tiến độ và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế đã phải điều chỉnh tăng gấp đôi lên 8.104 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc, dự án này đã tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.014 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh đã “đội” lên hơn 2 lần so với ban đầu.

Tuy nhiên, yêu cầu này đã chính thức bị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gạt bỏ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo 3 hướng: bán dự án, bán TISCO hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ, ông Kiên cho biết, còn nhớ, Tập đoàn Hoà Phát cũng đầu tư nhà máy thép cùng thời điểm đầu tư của nhà máy của TISCO. Khi đó, Tập đoàn Hoà Phát đầu tư 3.200 – 3.600 tỷ đồng, còn TISCO là 4.200 tỷ đồng. Đến nay, Tập đoàn Hoà Phát đã đi vào vận hành và thu hồi vốn xong rồi nhưng TISCO vẫn chưa hoàn thành, còn đội vốn lên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa xong.

“Vấn đề ở đây là họ đầu tư một cách thờ ơ. Họ chỉ biết kêu, rồi chạy chọt đầu tư để có công ăn việc làm, thu nhập nhưng thực sự thì được hưởng lợi rất ít, lợi ích nhỏ. Nhưng đầu tư xong người ta bảo không có trách nhiệm và đổ tại giá thép thế giới xuống nếu có thua lỗ. Trong khi Tập đoàn Hoà Phát cũng đầu tư cùng thời điểm tại sao họ vẫn thành công? Dự án của TISCO có sự tham gia của cả Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng nhưng tại sao vẫn lỗ”, ông Kiên bình luận.

Theo ông Kiên, câu chuyện của TISCO không phải vì năng lực chuyên môn yếu, không dự báo được giá thị trường thép thế giới, nội địa mà là nhắm mặt đầu tư dự án như thế để ngày hôm nay ra như thế này. “Đó là sự thiếu trách nhiệm của đôi ngũ chuyển từ công chức sang quản trị doanh nghiệp, quen làm hành chính rồi. Vấn đề ở chỗ đó”, ông Kiên bình luận.

Hồi tháng 4/2016, trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị đã góp hơn 1.000 tỷ đồng vào việc triển khai dự án này, dù chưa khẳng định hiệu quả, song dựa trên báo cáo của TISCO, vẫn kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.

Đề xuất cũng bao gồm miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng.

Cụ thể, TISCO kiến nghị Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công, số tiền khoảng 386 tỷ. Tiền vay từ ngân hàng này chỉ tính lãi 5,5%/năm.

Với VietinBank, TISCO cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% lãi vay thời gian dự án ngừng thi công, cho TISCO đến năm 2019 mới bắt đầu trả nợ và đến năm 2034 mới trả xong...

Với khoản thuế giá trị gia tăng, Nhà nước đã hoàn lại cho TISCO khoảng 330 tỷ đồng, đề nghị không đưa khoản này vào tổng mức đầu tư dự án. Đặc biệt, TISCO kiến nghị miễn luôn thuế nhà thầu cho nhà thầu Trung Quốc, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, giá trị gia tăng 5%... tương đương giá trị khoảng 133 tỷ đồng.

Theo Trần Giang
Dân Việt