Dự án 25 triệu USD xây dựng trái phép trên sông Hồng

Mặc dù chưa được Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão cấp phép, thẩm định công trình trên sông đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an toàn cho hệ thống đê và phòng chống thoát lũ nhưng Cục Đường thủy nội địa vẫn tiến hành thực hiện dự án này.

Cụm công trình dưới chân cầu Thăng Long hiện vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Cụm công trình dưới chân cầu Thăng Long hiện vẫn chưa được cấp phép xây dựng.

Với dự án xây dựng nắn dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội do Cục Đường thuỷ nội địa làm chủ đầu tư, xác nhận với phóng viên, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão mới đây đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đề cập đến việc công trình nắn dòng chảy sông Hồng thiếu giấy phép.

Theo đó, mặc dù chưa được Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão cấp phép, thẩm định công trình trên sông đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an toàn cho hệ thống đê và phòng chống thoát lũ nhưng Cục Đường thủy nội địa vẫn tiến hành thực hiện dự án này.

Theo ông Vũ Văn Tú, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chồng lụt bão, quá trình thực hiện dự án thì Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc - Cục Đường thủy nội địa gửi khá đầy đủ tài liệu. Tuy nhiên, dù đang trong thời gian được cục này nghiên cứu, xem xét thẩm định hồ sơ thì thì chủ đầu tư vẫn cho đơn vị thi công tiến hành xây dựng rầm rộ trên sông Hồng.

Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường thuỷ nội địa phía Bắc, ông  Lê Huy Thăng, nói rằng vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ phải chứng minh được công trình nằm trên sông bọc kín bãi nổi Nhật Tân đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Người đứng đầu ban quản lý này cũng cho hay, đã có nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng công trình hình chữ U bọc bãi nổi Nhật Tân sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhanh chân vào thực hiện xây dựng dự án du lịch nếu Hà Nội cấp phép, điều đó sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và vi phạm Luật Đê điều.

Với lo ngại này, theo lời ông Thăng thì “đó là phần việc thuộc sự quản lý của TP Hà Nội. Luật Đê điều thì không thể cấp phép xây dựng, kinh doanh trong hành lang thoát lũ, trên bãi nổi giữa sông như thế được. Còn công trình của chúng tôi đã có các chuyên gia của Nhật Bản, Hà Lan tính toán kỹ lưỡng rồi, không gây ảnh hưởng gì tới thoát lũ và đê điều cả”.

Luật Đê điều quy định tất cả các công trình trên sông phải được cấp phép xây dựng và phải được Cục đê điều và Phòng chống lụt bão thông qua, phải chứng minh được công trình không ảnh hưởng đến thoát lũ và an toàn đê điều thì người ta mới cấp phép xây dựng.

“Nhưng tôi nói thẳng cụm công trình dưới cầu Thăng Long hiện nay ban đang làm thì chưa được cấp phép xây dựng. Trước khi cấp phép buộc phải có sự thoả thuận của Cục Đê điều và phòng chống lụt bão. Nay thủ tục ở Hà Nội đã làm xong, và chúng tôi đang làm việc với Cục Đê điều và phòng chống lụt bão, cơ bản người ta chấp thuận rồi”, ông Thăng nói.  

Ông Thăng khẳng định các công trình xây dựng dọc sông Hồng phải được cấp phép, tuy nhiên “nếu bây giờ chờ đợi cấp phép xong thì hết thời gian, không đảm bảo tiến độ, nên chúng tôi vẫn đang đi làm sai”. “Chúng tôi sẽ đi báo cáo thẳng với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rằng đó là những khó khăn của dự án và trên cơ sở đó phải có những cải thiện. Làm như vậy thì nói sai cũng là sai nhưng nói đúng thì vẫn là đúng”, ông Thăng cho hay.

Trước đó, một dự án khu du lịch sinh thái ở bãi nổi trên dòng sông Đà mới đây đã được khai trương cũng đã khiến chuyên gia và người dân lo ngại về sự an toàn của con sông. Theo ông Thăng, chính vì dự án này nên hiện tại bãi nổi của hạng mục 25 triệu USD ở sông Hồng đang bị Cục Đê điều và phòng chống lụt bão “neo” lại.

 

 “Nếu bây giờ chờ đợi cấp phép xong thì hết thời gian, không đảm bảo tiến độ, nên chúng tôi vẫn đang đi làm sai”, ông Lê Huy Thăng nói. “Chúng tôi sẽ đi báo cáo thẳng với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rằng đó là những khó khăn của dự án và trên cơ sở đó phải có những cải thiện”.

 
Theo Việt Hưng
Pháp Luật VN