DS. Nguyễn Xuân Hoàng: "Công ty đang sáng tạo, đổi mới, mở rộng các hệ sinh thái"
(Dân trí) - 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC) là một trong những công ty hàng đầu trong nước chuyên biệt sản xuất thực phẩm chức năng.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC), chia sẻ, trong 20 năm qua IMC đã xây dựng được hệ sinh thái mở rộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong thời gian tới, IMC tiếp tục đổi mới sáng tạo trong sản xuất thực phẩm chức năng, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các ngành nghề phụ cận, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cho ngành thực phẩm chức năng.
DS. Hoàng cho hay IMC được thành lập với ý tưởng ban đầu là tư vấn, đấu thầu thuốc, tư vấn pháp lý và xây dựng các dự án, trong đó có dự án xuất khẩu thuốc.
"Nhưng tôi nhận thấy thị trường dược lúc đó có rất nhiều điểm hạn chế, khiến cho ngành dược trong nước không thể phát triển đúng với năng lực thực tế. Trong khi đó, y học cổ truyền Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử, là nguồn nguyên liệu khổng lồ để chúng ta sử dụng và phát triển. Vì thế, tôi cho rằng muốn công ty phát triển cần phải chuyển hướng", DS Nguyễn Xuân Hoàng cho biết.
Từ đó, IMC đã chuyển sang sản xuất chuyên biệt thực phẩm chức năng.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, IMC trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất chuyên biệt thực phẩm chức năng đầu tiên xây dựng được nhà máy đạt chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP - Good manufacturing practice); ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như công nghệ phytosome, công nghệ sinh học và gần đây nhất là công nghệ sinh học - lượng tử bio-quantum.
IMC cũng đã tạo nên một cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ dựa trên giá trị cốt lõi của mình.
Nhiều nhân viên tại IMC đã tự tin khởi nghiệp, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Để đem lại sự phát triển hiệu quả, bền vững của ngành thực phẩm chức năng, những năm qua IMC đã phối hợp với các chuyên gia đã thành lập Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), Viện Thực phẩm chức năng (VIDS), các đơn vị nghiên cứu, truyền thông…
"Mong muốn của tôi không chỉ thành lập một công ty mà phải xây dựng một ngành thực phẩm chức năng Việt Nam. Cho đến nay, ngành thực phẩm chức năng tại nước ta đã rất lớn mạnh", DS Nguyễn Xuân Hoàng nhớ lại.
DS. Hoàng cũng cho biết thêm trong 20 năm qua, IMC đã phối hợp với Bộ Y tế, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam... từng bước xây dựng hành lang pháp lý trong ngành, đồng thời tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm chức năng. Ngoài ra, công ty này cùng VAFF tham gia vào Hiệp hội Thực phẩm chức năng Thế giới, Hiệp hội Thực phẩm chức năng ASEAN, Hội Khoa học Các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam… để học hỏi kinh nghiệm, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng và đưa thực phẩm chức năng của công ty ra thị trường quốc tế.
Theo DS Nguyễn Xuân Hoàng, đứng trước những thách thức thời cuộc, ngay từ năm 2022, IMC hướng tới sáng tạo, đổi mới để phù hợp với kinh tế tuần hoàn, mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng các mô hình mới.
Bên cạnh thực phẩm chức năng, IMC tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dựa trên các nguồn lực và thị trường, bao gồm thị trường chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp bằng các sản phẩm từ thiên nhiên và hướng tới xuất khẩu; thị trường Petcare với thức ăn, thực phẩm chức năng thú cưng, mỹ phẩm và đồ phụ kiện, các chuỗi spa, khách sạn, resort… cho thú cưng; ngành yến sào - ngành thực phẩm dinh dưỡng tiềm năng, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Đại diện IMC cho hay với định hướng này, công ty hiểu cần đổi mới, thoát ra khỏi cái bóng của mình, tạo ra một IMC hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ vững sứ mệnh và các giá trị cốt lõi và văn hóa công ty.
Doanh nghiệp này hiện áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn VAC 2.0 ứng dụng công nghệ sinh học - lượng tử bio-quantum. Trong đó, công nghệ bio-quantum dùng để xử lý nước, chiết xuất, sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nuôi trồng thủy sản, nuôi chim yến.
"Mới đây, chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ này trong việc tạo ra môi trường bán hoang dã cho chim yến (kiểm soát môi trường, nhiệt độ, khí hậu, ngăn ngừa bệnh tật…), xử lý phân chim bằng enzyme làm thức ăn cho cá, tôm. Mô hình nuôi yến này có thể đồng thời kết hợp với du lịch là điểm thăm quan, triển lãm và trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao. Với giá thành phải chăng, mô hình này có thể nhượng quyền cho các hộ gia đình và công ty thu mua lại tổ yến để sản xuất và xuất khẩu", DS Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.