Đột ngột lỗ nặng gần 1.600 tỷ đồng, cổ phiếu tập đoàn FLC bị cắt margin
(Dân trí) - Với khoản lỗ ròng trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 1.582 tỷ đồng, cổ phiếu FLC chính thức bị Sở HSX đưa vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin).
Thông tin trên vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) vừa công bố.
Nguyên nhân khiến FLC bị cắt giao dịch ký quỹ được lãnh đạo HSX lý giải là “lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm”. Cụ thể, nửa đầu năm 2020, FLC ghi lỗ ròng hơn 1.582 tỷ đồng.
Số liệu thể hiện tại báo cáo kết quả kinh doanh bán niên hợp nhất (đã soát xét) của FLC thể hiện doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng gần 210 tỷ đồng lên 6.490 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng rất mạnh 2.487,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 8.739,4 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh dưới giá vốn, FLC ghi nhận lỗ gộp tới 2.249,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 2.785,7 tỷ đồng so với mức lãi thuần 155 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Chưa hết, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết còn có lợi nhuận khác trong kỳ ở trạng thái âm (cùng kỳ lãi khác đạt 13,6 tỷ đồng). Theo đó, lỗ kế toán trước thuế trong nửa đầu năm 2020 ở mức 2.786,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 168,7 tỷ đồng).
Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp của FLC ghi nhận mức 2.790,1 tỷ đồng, đảo ngược so mức lãi hơn 24 tỷ đồng của cùng kỳ. Trong đó, lỗ ròng (lỗ của công ty mẹ sau khi đã loại trừ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát) là 1.582,1 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ nặng nề trong nửa đầu năm nay, lãnh đạo FLC cho biết, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của tập đoàn tuy tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng giá vốn hàng bán bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, thuê văn phòng, căn hộ… của mảng kinh doanh hàng không, khách sạn và du lịch lại tăng 40%.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 60% so với cùng kỳ. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh và đổi chiều từ lãi 24 tỷ đồng thành lỗ 1.790 tỷ đồng.
Với mức lỗ lớn nửa đầu năm nay, tại ngày 30/6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FLC giảm còn 204,9 tỷ đồng so với con số 1.787 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC đóng cửa phiên cuối tuần tăng 0,32% lên 3.120 đồng/cổ phiếu. Thị giá FLC giảm gần 13% so với 1 năm trước nhưng lại tăng 7,22% trong vòng 1 tháng qua.
Liên quan đến việc bị cắt giao dịch ký quỹ, trước đó, cổ phiếu của một doanh nghiệp khác thuộc “họ” FLC là ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng đã bị rơi vào diện này với cùng lý do nói trên.
Tính tới 11/9, trên HSX, danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ có 91 mã.