Dòng vốn gián tiếp đang chảy mạnh vào Việt Nam

Hiện có khoảng 4 - 5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đang chờ để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đó là nhận định của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tại Hội nghị "Funds World Vietnam 2007" vừa diễn ra tại TPHCM.

Trong đó, một phần sẽ được đổ vào các đợt IPO của những doanh nghiệp lớn như: Vietcombank, BIDV, MHB, Incombank, MobiFone…

"Việt Nam đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận và tôi tin chắc rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thu được nguồn lợi lớn từ thị trường mới phát triển này", ông Alex Hambly Giám đốc điều hành Quỹ Prudential Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Brad Durham, Giám đốc điều hành Emerging Portfolio Fund Research (EPFR - Mỹ) cho rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập vào thị trường toàn cầu. Do vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và FII từ thị trường toàn cầu trong thời gian tới.

"Hiện có khoảng 25 quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn đang tham gia đầu tư tại TTCK Việt Nam. Trong đó, nguồn vốn đổ vào nhiều nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tài chính…", ông Brad Durham cho biết.

Tuy nhiên, ông Brad Durham cho rằng, so với tiềm năng và nhu cầu thực tế thì con số trên vẫn còn khá khiêm tốn. Số vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,05% trong tổng nguồn vốn của các quỹ hiện có. Trong khi đó, tiềm năng của thị trường mới này còn rất lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong trong ngành quản lý quỹ, hiện sự phân bổ vốn của các quỹ đầu tư ngoại vào Việt Nam còn nhỏ lẻ. Vì vậy, trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, nguồn vốn gián tiếp "chảy vào" dự kiến sẽ ngang bằng với Malaysia là 50 tỷ USD hiện nay.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả trong thu hút dòng vốn gián tiếp, các quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải tạo điều kiện hơn nữa cho nhà đầu tư, đồng thời sớm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và cụ thể hoá chính sách quản lý dòng vốn.

Theo tiến sĩ Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Tư vấn Mekong Economics, luồng vốn gián tiếp chảy vào mạnh thì tốc độ lạm phát từ đó có nguy cơ gia tăng.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang đưa ra những biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, ông Adam McCarty cho rằng, Việt Nam không nên quá đề cao và quan tâm nhiều đến lạm phát mà nên xem nó như một dự báo.

Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán