Đồng tiền mới của Indonesia gây tranh cãi vì có hình ảnh Trung Quốc?

Thùy Dung

(Dân trí) - Đồng tiền giấy mới, có hình ảnh những đứa trẻ trong trang phục truyền thống, được phát hành để kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Indonesia, được một số người cho là có trang phục của Trung Quốc.

Đồng tiền mới của Indonesia gây tranh cãi vì có hình ảnh Trung Quốc? - 1

Người dùng mạng xã hội Indonesia cho rằng cậu bé trên tờ tiền này thực ra đang mặc trang phục của Trung Quốc.

Khi ngân hàng Trung ương Indonesia tung ra tờ tiền 75.000 rupiah (khoảng 5 USD) mới trong tháng này để kỷ niệm 75 năm độc lập của đất nước, họ không ngờ rằng nỗ lực thể hiện sự đa dạng văn hóa của quốc gia quần đảo này lại trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng.

Tờ tiền mới có hình ảnh những đứa trẻ trong trang phục truyền thống của Indonesia. Nhưng một đứa trẻ - mặc trang phục của bộ tộc Tidung ở tỉnh Bắc Kalimantan, giáp với Malaysia – lại trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng. Nhiều người khẳng định rằng, bộ trang phục này là trang phục truyền thống của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều người đã phản đối ý kiến này. Một trong số họ cho biết, có những người là “mù văn hóa Indonesia”, trong khi một người khác hỏi liệu những người Indonesia này có chút nào kiến ​​thức nào về trang phục truyền thống của đất nước hay không.

Marlison Hakim, người đứng đầu bộ phận quản lý tiền tệ của Ngân hàng Indonesia, hôm thứ Hai cho biết, động thái giới thiệu hình ảnh trẻ em trên đồng tiền là một nỗ lực để “nhấn mạnh sự đa dạng văn hóa vốn là tài sản của quốc gia Indonesia”.

Sau khi hình ảnh lan truyền, truyền thông địa phương Kompas TV đã phát sóng một cuộc phỏng vấn với một học sinh trung học, em cho biết em đã mặc trang phục truyền thống của người Tidung và cảm thấy hạnh phúc khi bức ảnh của mình được chia sẻ rộng rãi.

Vụ việc là ví dụ mới nhất về những thông tin sai lệch trực tuyến gây căng thẳng tôn giáo và sắc tộc ở quốc gia có hơn 270 triệu dân theo đạo Hồi, nơi hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi.

Indonesia có khoảng 140 triệu người dùng Facebook tính đến tháng 7 và hơn 80% sử dụng WhatsApp, xu hướng này đã đẩy nhanh sự lan truyền của những tin tức giả mạo.