Trung Quốc muốn "giúp" Indonesia xây dựng thủ đô mới trị giá 33 tỷ USD

(Dân trí) - Kế hoạch xây dựng thủ đô mới của Indonesia sẽ cần rất nhiều nguồn vốn tài trợ, và Trung Quốc đang là một nhà đầu tư tiềm năng.

Trung Quốc muốn giúp Indonesia xây dựng thủ đô mới trị giá 33 tỷ USD - 1

Kế hoạch di dời trung tâm chính phủ khỏi thủ đô Jakarta trị giá 33 tỷ USD của Tổng thống Widodo sẽ cần xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng mới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 26/8 đã công bố kế hoạch xây dựng thủ đô mới trên đảo Borneo thuộc Đông Kalimantan – thay thế cho Jakarta - thành phố vốn đang đối mặt với tình trạng tắc đường trầm trọng cộng với tốc độ chìm xuống biển nhanh chóng.

Kế hoạch di dời thủ đô trị giá 33 tỷ USD của Tổng thống Widodo sẽ cần xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng mới.

Các công ty Trung Quốc đã đặt mối quan tâm của họ vào kế hoạch này và các nhà chức trách địa phương tại Indonesia đã chào đón họ - nhưng liệu mọi thứ có tốt đẹp hay không?

Kế hoạch di chuyển thủ đô Indonesia từ Jakarta sang Đông Kalimantan của Tổng thống Joko Widodo có cả những người ủng hộ lẫn gièm pha, nhưng có một điều chắc chắn rằng chính phủ Indonesia sẽ không tự chịu toàn bộ chi phí lên tới 33 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án sẽ nhận được bao nhiêu tiền đầu tư từ Trung Quốc là một câu hỏi mà chính phủ Indonesia rất quan tâm.

Theo thống đốc Đông Kalimantan - Isran Noor, Indonesia sẽ mở cửa cho các khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Bắc Kinh, để giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng ở thành phố Kalimantan, thủ đô mới sẽ nằm trên một khu vực rộng 180.000 ha giữa khu vực Kutai Kartanegara và Penajam Paser Utara.

Tuy nhiên, thống đốc Isran nói: “Thỏa thuận phải được cân bằng cho cả hai bên và cung cấp việc làm cho lao động địa phương. Đối với tôi, đầu tư của Trung Quốc rất quan trọng bởi vì chúng tôi cần nó để xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ sở khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng ta cần tạo ra một thỏa thuận “không đặt gánh nặng lên vai chính phủ”.

Nguồn vốn tài trợ cho sự phát triển thủ đô mới được thiết lập dựa nhiều vào các giao dịch với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong nước hoặc nước ngoài, hơn là dựa vào ngân sách nhà nước của Indonesia.

Miền Đông Kalimantan, một tỉnh nằm giữa quần đảo Borneo, là nơi sinh sống của 3,5 triệu người và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm dầu khí, gỗ và cọ dầu.

Đây cũng là nhà sản xuất than lớn nhất của Indonesia, chiếm 62% sản lượng than quốc gia năm ngoái và là khu vực có đóng góp lớn nhất cho GDP của đất nước trong số năm tỉnh thuộc đảo Borneo của Indonesia.

Bên cạnh sức mạnh kinh tế và vị trí chiến lược, tổng thống Widodo cũng chỉ ra rằng tỉnh này không dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất và núi lửa, khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng nhất để trở thành trung tâm thủ đô của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Thủ đô tiếp theo được thiết kế để thay thế Jakarta, một đô thị đông đúc và ô nhiễm, và bị chìm xuống mặt nước khoảng 20 cm mỗi năm, sẽ vẫn là một trung tâm tài chính kinh doanh.

Sẵn sàng đầu tư

Về phần các công ty Trung Quốc, họ rất muốn đầu tư vào Đông Kalimantan. Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) thuộc sở hữu nhà nước vào ngày 2/9, nói với Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng cấp cao của Indonesia được giao nhiệm vụ tăng cường đầu tư từ Trung Quốc, rằng họ rất muốn giúp nước này xây dựng công nghệ vận tải ở thủ đô mới.

Cũng trong cuộc họp này, CRCC cũng nói với Luhut rằng họ quan tâm đến dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Surabaya, nhưng vào ngày 25/9 Indonesia đã chính thức trao dự án trị giá 60 nghìn tỷ rupiah (4,2 tỷ USD) cho nhà đầu tư lâu năm Nhật Bản.

Trong khi đó, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Trung tâm Xây dựng Truyền thông Trung Quốc tại Indonesia và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc Corp đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia đấu thầu xây dựng đường cao tốc có thu phí kết nối thành phố cảng Balikpapan với Penajam Paser Utara.

Bắc Kinh cũng cung cấp khoản vay mềm trị giá 848,55 tỷ rupiah cho chính phủ Indonesia để xây dựng một phần của tuyến đường thu phí Balikpapan-Samarinda, tuyến đường xuyên đảo đầu tiên của Indonesia sẽ được mở vào cuối tháng này.

Cả hai tuyến đường bộ sẽ được kết nối với thủ đô mới, khiến chúng trở thành một khoản đầu tư lớn khi 2 triệu công chức Jakarta chuyển đến Borneo.

Các công ty Trung Quốc cũng điều hành hai nhà máy điện khí và hơi nước ở Kutai Kartanegara. Một công ty Trung Quốc khác gần đây đã đề xuất giúp quản lý và làm sạch lưu vực sông Mahakam, đây là con sông lớn thứ hai tại Indonesia.

Tuy nhiên, không phải tất cả cư dân ở Đông Kalimantan đều hài lòng với quyết định của tổng thống Jokowi.

Imam Suhadha – một cư dân đến từ Tenggarong bày tỏ những lo lắng về sự gia tăng nợ nước ngoài của Indonesia để tài trợ cho việc di dời, cũng như chi phí sinh hoạt trong tỉnh có thể sẽ cao hơn. “Tôi nghĩ rằng có nhiều tổn thất hơn lợi ích từ quyết định này. Chính phủ sẽ phải bán tài sản quốc gia và vay tiền để tài trợ cho việc xây dựng thủ đô mới”, ông nói.

Một quản trị viên 21 tuổi hiện đang làm việc tại một công ty khai thác than chia sẻ, với vốn di chuyển ở đây, tôi cũng sợ rằng giá cả hàng hóa và dịch vụ sức khỏe sẽ tăng vọt và người nghèo sẽ không thể mua được.

Đối với thống đốc Isran – người có nhiệm kỳ đầu tiên kết thúc vào năm 2023 chia sẻ: "Kế hoạch này phải được thực hiện, tôi đã nói với Tổng thống Jokowi rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến Đông Kalimantan vào năm 2024.

Tôi rất lạc quan rằng thủ đô mới sẽ tốt hơn. Chúng tôi đang kết hợp các phần tốt của Putrajaya, Canberra, Nur-Sultan và các thủ đô mới khác. Kết quả của sự kết hợp này chỉ có thể có nghĩa là thủ đô mới của Indonesia sẽ hoàn toàn vượt trội".

Thùy Dung

Theo SCMP