1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đồng tiền chung châu Âu - “Lợi bất cập hại”

(Dân trí) - Kết quả khảo sát cho thấy 5 năm sau ngày đồng euro chính thức được đưa vào sử dụng, thay thế cho đồng franc Pháp, mark Đức…, chỉ có chưa đến một nửa người dân ở các nước đang sử dụng đồng euro thấy hài lòng với hệ thống đồng tiền chung châu Âu.

Rõ ràng là từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng, thay thế đồng nội tệ của nhiều nước trong khối EU thì người dân ở các nước đã phải đối mặt với mức chi phí sinh hoạt cao hơn.

 

Ngày càng có thêm nhiều người châu Âu cho rằng cuộc cách mạng tiền tệ lớn nhất trong lịch sử này đem đến nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm và mức sống của các nước trong khối. Đây là kết quả một cuộc khảo sát vừa do Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành gần đây và công bố ở Pháp vào tuần trước.

 

Pháp, Đức và Italia là các nước có số người ủng hộ việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu nhiều nhất và cũng là những nước có tỷ lệ thất vọng cao nhất.

 

Theo kết quả khảo sát, Ai Len là nước hài lòng nhất với đồng euro.

 

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 52% người Pháp không hài lòng với những gì đồng euro mang lại, với 81% cho rằng sự ra đời của đồng euro là nguyên nhân khiến giá cả tăng vọt và đây là điều khiến họ thất vọng nhất.

 

Số liệu thống kê chính thức cho thấy mức độ lạm phát của Pháp sau khi đưa đồng euro vào sử dụng cũng không cao hơn trước đó, vẫn chỉ dao động trong khoảng 1,6-2,1% từ năm 1999 đến nay. Tuy nhiên, giới báo chí đã chỉ ra rằng các con số thống kê là không chính xác vì chỉ tính đến các mặt hàng cơ bản. Tờ Le Parisien đã làm một cuộc điều tra riêng và kết luận rằng giá của 30 mặt hàng “hàng ngày” đã tăng 80% trong vòng 5 năm kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu thông. Năm 2002, một chiếc bánh mỳ dài kiểu Pháp có giá 65 xen và đến năm 2006 đã tăng 23% lên 80 xen. Trong khi đó, giá một cốc cà phê tăng 120%, một kilogram khoai tây tăng 93% và một tuýp thuốc đánh răng tăng 84%.

 

Không thể biết đâu là giá trị thực của hàng hóa, người dân chỉ có một cách là giảm chi tiêu.  

 

Trong khi đó, Joaquim Almunia, Cao ủy tài chính và tiền tệ EU khẳng định rằng lâu lắm rồi tỷ lệ lạm phát ở một số nước mới lại thấp như thế. Thêm một lợi thế nữa là việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu giúp các nước tránh được tình trạng biến động tiền tệ, giá hàng nhập khẩu giảm và sự tiện lợi khi di chuyển giữa các nước trong khối.

 

Đồng euro hiện đang được hơn 30 triệu người ở 13 nước châu Âu sử dụng, và được coi là một đơn vị tiền tệ khá ổn định dùng để dự trữ của ngày càng nhiều ngân hàng trên thế giới.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là giờ đây, khi đồng euro đã trở thành một công cụ thanh toán toàn cầu, một đối trọng của đồng đôla Mỹ thì sự ủng hộ của người dân lại ở mức thấp nhất kể từ khi đồng tiền được chính thức lưu thông vào năm 2002. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 48% người dân trong khối sử dụng đồng euro cho rằng việc chuyển sang sử dụng một đồng tiền chung thống nhất là có lợi, giảm 59% so với tỷ lệ ủng hộ cách đây 5 năm.

 

Đúng là đồng euro rất thuận tiện khi di chuyển từ nước này sang nước khác vì sẽ không phải đổi tiền, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì với 4 triệu người Đức thất nghiệp, hay những người Hy Lạp đang phải cố gắng gấp nhiều lần mới có được mức sống như trước đây khi chưa có đồng euro. Và hầu hết họ đều đổ lỗi cho sự “xáo trộn” mà đồng tiền chung châu Âu gây ra.

 

Các chuyên gia cho rằng dù cho sự thất vọng này sẽ được xoa dịu dần khi nền kinh tế châu Âu phục hồi sau nhiều năm trì trệ thì đồng euro cũng khó có khả năng thay thế được đồng đôla trong vai trò là đơn vị thanh toán thống trị toàn cầu. Nếu xét về tổng thể thị trường, Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội, có ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác trên thế giới. Thêm vào đó, dù sao khối EU vẫn là tập hợp từ nhiều nền kinh tế, với tốc độ phát triển và chu kỳ khác nhau, còn Mỹ là một nền kinh tế thống nhất.

 

Tỷ giá quy đổi của đồng euro càng chất thêm gánh nặng lên những nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn như Đức vào những năm đầu tiên khi lưu thông đồng euro, khi tỷ lệ thất nghiệp đang cao. Với các nước như Ai Len và Tây Ban Nha thì tỷ lệ quy đổi này lại quá “lỏng lẻo” để kiềm chế nền kinh tế “quá nóng”.

 

Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nhận xét rằng đồng euro đem lại hiệu quả hợp nhất kinh tế không được mong đợi.

 

Như Tùng

Theo Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm