Đồng tiền chung châu Âu: 10 năm một chặng đường
(Dân trí) - Khi đồng euro ra mắt, nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ không “thọ” lâu. Nhưng một thập kỷ sau, euro đã trở thành đơn vị tiền tệ toàn cầu có tính ổn định và an toàn cao, dù chưa đạt được mọi kỳ vọng của những người tạo ra nó.
Tháng 5 này là kỷ niệm tròn 10 năm ngày 15 nước thành viên EU thống nhất ra mắt đồng tiền chung châu Âu - euro. Tuy nhiên, trên thực tế, mãi đến ngày 1/1/2002, người dân của 12 nước thành viên EU đầu tiên mới bắt đầu sử dụng xu và tiền giấy euro. Ban đầu, mọi việc cũng không mấy suôn sẻ.
Đồng euro mới đầu đã lập hết đáy này đến đáy khác so với USD, nhưng giờ đây, tình thế đảo ngược, USD mới là đơn vị tiền tệ đang rớt giá.
Khách du lịch và các nhà nhập khẩu trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt với thực trạng là đồng euro đang ở mức cao kỷ lục.
Khẳng định vị thế
Khoảng 16 triệu việc làm đã được tạo ra trong khu vực kể từ khi đồng euro được vào sử dụng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức 9% của năm 1999 xuống còn 7% vào năm 2007.
Năm ngoái, thâm hụt ngân sách trung bình của các nước trong khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu giảm xuống mức thấp nhất: 0,6% của GDP.
Tất nhiên, tất cả những thành tích trên có thể không hẳn nhờ vào sự hiện diện của đồng euro, giống như tỷ lệ lạm phát trung bình và lãi suất dài hạn giảm xuống có thể không hoàn toàn là công của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Thực tế là hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều chứng kiến tỷ lệ lạm phát
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, euro, hiện có 15 thành viên, gồm: Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai Len, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovenia, CH Síp, và Malta (mới gia nhập năm 2008). Đồng euro được đưa ra giao dịch trên thị trường ngoại hối từ ngày 1/1/1999, nhưng đến 1/1/2002 mới chính thức thay thế đồng nội tệ của các nước tham gia khối sử dụng đồng tiên chung châu Âu. |
giảm đều qua các năm kể từ cuối thập niên 80 (ít nhất là cho tới gần đây), và việc này đã khiến lãi suất giảm xuống.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Liên minh kinh tế và tiền tệ (EMU) của EU cho rằng thâm hụt ngân sách giảm và việc làm tăng có công của đồng euro. Họ sẽ nói rằng Hiệp ước ổn định và tăng trưởng (SGP), yêu cầu các nước trong khu vực sử dụng đồng euro giữ tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 3% của GDP, đã tạo ra một “gọng kìm” đối với việc chi tiêu ngân sách của các nước.
Dù vậy, một số nền kinh tế lớn như Đức đôi khi cũng "phớt lờ" các quy định này, và hiệp ước đã phải sửa đổi vào năm 2005.
Những người ủng hộ cũng sẽ cho rằng một đồng tiền chung duy nhất buộc các nước phải tiến hành cải tổ nền kinh tế, trong đó có thị trường lao động, vì khi trở thành một thành viên sử dụng đồng euro có nghĩa là các chính phủ đã mất lựa chọn giải pháp hạ giá đồng nội tệ khi gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế không nhất trí với lập luận này.
Đức đã rất thành công trong việc duy trì khả năng cạnh tranh trong mấy năm gần đây bằng cách cắt giảm chi phí, ngay cả khi đồng euro tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Trong khi đó, tình hình của Italia lại không như vậy. Các nhà sản xuất của nước này đang phải vật lộn với khó khăn để giữ chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Đây là một trong những điểm gây thất vọng của đồng euro cho đến nay, ít nhất là với một số thành viên tạo ra nó.
Mảng tối
Liên minh kinh tế và tiền tệ EU có vẻ như chưa thúc đẩy được sự hợp nhất kinh tế giữa các nền kinh tế trong khối, nếu không muốn nói là ngược lại.
Tình hình hiện nay là một ví dụ.
Kinh tế Tây Ban Nha và Ai Len từng có chuyển biến tích cực trong những năm đầu mới sử dụng đồng euro, nhờ lãi suất thấp. Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cả hai nước này giờ đây đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh do cuộc khủng hoảng tín dụng.
Ngược lại, kinh tế Đức và Pháp không có những bước tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, và giờ đây có thể cũng chỉ bị suy giảm nhẹ.
Chính sách tiền tệ không thể dẫn đến sự hợp nhất giữa các nền kinh tế lớn trong khối. Sẽ là thiếu thực tế khi trông đợi điều đó.
Cách duy nhất để đạt được sự hợp nhất như mong muốn là tạo một ngân sách chung thật lớn của khối các nước sử dụng đồng euro để có thể phân bổ tiền giữa các nước, giúp giảm bớt khoảng cách giữa họ. Tuy nhiên, ý tưởng này có lẽ không khả thi, vì để thực hiện, cần tăng thuế trên toàn châu Âu.
Đặng Lê
Theo BBC