1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đóng cổ phần bằng... nước bọt!

Ngày 14/1/2003, Công ty CP đầu tư và phát triển Cảng Đình Vũ (CTCP Cảng Đình Vũ) ra đời với ngành nghề dịch vụ xếp dỡ hàng hoá, hàng hải, đại lý, vận tải... với số vốn điều lệ là 100 tỉ đồng. Cổ đông Nhà nước là Cảng Hải Phòng giữ cổ phần chi phối 51%.

Đánh trống ghi tên

 

Ngày 25/8/2005, Đại hội cổ đông thường niên CTCP Cảng Đình Vũ (trụ sở tại số 8 đường Lê Thánh Tông, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng), thông qua nghị quyết “tăng thêm vốn điều lệ 70 tỉ đồng để xây dựng cầu tàu số 2, trong đó Cảng Hải Phòng góp 51%, giao cho HĐQT triển khai huy động vốn trong 1 đợt từ 15/9/2005 đến 15/102005”.

 

Căn cứ nghị quyết và bản cam kết góp vốn số 978/TCKT của cổ đông Cảng Hải Phòng, ngày 20/9/2005, ông Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ đã ra thông báo gửi Cảng Hải Phòng, đề nghị nộp tiền đã đăng ký mua cổ phần 35,7 tỉ đồng (51% của 70 tỉ đồng) vào tài khoản của CTCP Cảng Đình Vũ, chậm nhất vào ngày 5/10/2005.

 

Chờ đã quá hạn “chậm nhất” nói trên 2 tuần vẫn không thấy cổ đông chi phối Cảng Hải Phòng “mở túi”, ngày 17/10/2005, HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ lại ra thông báo yêu cầu đóng tiền lần 2, gửi Cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng vẫn im lặng! Rút cục, chỉ có các cổ đông thể nhân khác đóng được 2,59 tỉ đồng.

 

Trước tình hình hờ hững đó, sáng ngày 25/4/2006, HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ lại họp và quyết định: Huy động tăng vốn điều lệ đợt 2 ở các cổ  đông sáng lập cho đủ 70 tỉ đồng, theo nguyên tắc giữ nguyên cơ cấu vốn của các cổ đông (cụ thể Cảng Hải Phòng vốn 51%). Nếu các cổ đông sáng lập cứ “bất động” thì huy động thị trường chứng khoán.

 

Nước bọt cũng là... tiền

 

Ông Nguyễn Thiện Kế, thành viên HĐQT, đại diện cổ đông là Tổng công ty Vật tư nông nghiệp VN  đề nghị phải đưa tất cả 67,41 tỉ đồng lên sàn chứng khoán, lợi nhuận (hoặc lỗ) qua việc phát hành cổ phiếu được chia cho các cổ đông theo tỉ lệ vốn đóng góp.

 

Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ đồng thời là Phó Tổng GĐ Cảng Hải Phòng thì lại cho rằng, vì Cảng Hải Phòng đã có văn bản cam kết đóng góp 35,7 tỉ đồng từ 1 năm trước, coi như là tiền đã được gửi vào ngân sách của CTCP Cảng Đình Vũ, do đó chỉ còn 31,71 tỉ đồng bị thiếu (70 tỉ - (35,7 tỉ + 2,59 tỉ))  sẽ được bù đắp bằng cách phát hành cổ phiếu tung ra thị trường chứng khoán.

 

Với đa số thành viên HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ là người  của Cảng Hải Phòng, phương án “31,71 tỉ đồng” đã dễ dàng thắng phương án “67,41 tỉ đồng” với tỉ số phiếu 5/7. 

 

Hai người bỏ phiếu chống là ông Nguyễn Thiện Kế, ông Hà Văn Tiến đại diện cổ đông công ty CP thương mại và dịch vụ tổng hợp Cảng Hải Phòng. Ngày 31/5/2006, HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ đã thông qua nghị quyết bán 31,71 tỉ đồng cổ phần ra thị trường chứng khoán, nhưng ông Nguyễn Thiện Kế vẫn chưa thông.

 

Trong đơn gửi Báo chí, ông Kế viết rằng:  Vì Cảng Hải Phòng chỉ đăng ký mua cổ phần bằng văn bản, HĐQT cũng chưa có văn bản nào đồng ý với bản đăng ký của Cảng Hải Phòng. Hơn nữa, đã có ít nhất 2 lần HĐQT có “trát” đòi Cảng Hải Phòng nộp tiền, mà đến bây giờ vẫn không nộp.

 

Do đó, không thể “coi như đã nộp” theo quan điểm của Phó GĐ Cảng Hải Phòng kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ. Ông Kế kết luận: Phương án “31,71 tỉ đồng” của ông Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ là không công bằng, mang tính áp đặt.

 

Ngay sáng hôm sau (1/6/2006), ông Nguyễn Thiện Kế-đại diện cổ đông là Tổng công ty Vật tư nông nghiệp VN-cũng làm công văn gửi CTCP Cảng Đình Vũ, tỏ ý sẵn sàng đóng ngay 14 tỉ đồng (tiêu chuẩn cổ đông này được mua theo tỉ lệ vốn đóng góp 20% của 70 tỉ đồng) như lời thách thức: Nếu ông “đánh trống ghi tên” thì tôi cũng “đánh trống ghi tên” đây!

 

Theo H.L.Quân

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm