1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Đóng băng" bay quốc tế, hàng không Việt Nam dự kiến lỗ hơn 15.000 tỉ đồng

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019, doanh thu cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.

Nội dung trên được Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) nêu trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do Covid-19.

Đóng băng bay quốc tế, hàng không Việt Nam dự kiến lỗ hơn 15.000 tỉ đồng - 1

Năm 2021, hàng không Việt Nam dự báo lỗ hơn 15.000 tỉ đồng (ảnh: Tiến Tuấn).

VBA dẫn thông tin cho biết, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% so với năm 2019 và tổng mức lỗ dự kiến là 95 tỉ USD. Dự kiến, phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.

Tại Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Hiện thị trường bay quốc tế vẫn chưa được khôi phục, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019, doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, năm 2021 doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không.

Được biết, năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán.

Để "khơi thông" dòng tiền của các hãng bay, trong văn bản này VBA đề xuất Bộ KH&ĐT mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN hàng không như hình thức Vietnam Airlines đã được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỉ đồng.

Theo đó, VBA đề nghị Chính phủ cho Vietjet vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỉ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

Ngoài ra, VBA kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Thông tư 01 chỉ áp dụng cho các khoản nợ vay phát sinh trước ngày 23/1/2020, trong khi dịch bệnh lại tái bùng phát.

Một trong những biện pháp khác là cần sớm nghiên cứu từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: Châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

VBA đề nghị tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý áp mức thuế này là 2.100 đồng/lít cho đến hết 31/12/2021, nhưng theo các DN hàng không, chi phí tiết giảm so với tổng chi phí nhiên liệu đầu vào năm 2020 là không đáng kể (chỉ tương ứng khoảng 2,5%).

Hiệp hội cũng kiến nghị từ 10/2020 đến hết tháng 12/2021 giảm 50% mức giá dịch vụ cất-hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá.