DongA Bank “hậu Trần Phương Bình”: Âm vốn chủ sở hữu, phải “cầu cứu” cổ đông

(Dân trí) - Với tình hình kinh doanh bết bát, kết quả năm 2018 có lỗ luỹ kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm, DongA Bank chỉ còn cách chào bán cổ phiếu riêng lẻ để huy động nguồn tiền bù đắp, đảm bảo có giá trị thực của vốn tối thiểu bằng vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về vấn đề tăng vốn điều lệ.

Tờ trình được ngân hàng này công bố đã đưa ra phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần, DongA Bank sẽ chào bán đủ số lượng cổ phần đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ ngân hàng đáp ứng tối thiểu mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật là 3.000 tỷ đồng.

Đối tượng chào bán mà ngân hàng này nhắm tới ưu tiên cho cổ đông hiện hữu. Trường hợp cổ đông hiệu hữu đăng ký mua cổ phần không đủ số lượng chào bán theo phương án này thì sẽ phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

DongA Bank “hậu Trần Phương Bình”: Âm vốn chủ sở hữu, phải “cầu cứu” cổ đông - 1

Tính đến ngày 31/12/2018, DongA Bank có lỗ luỹ kế, nguồn vốn sở hữu bị âm

Đáng chú ý, số lượng nhà đầu tư sẽ tham gia đợt chào bán này dưới 100 người (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Nhà đầu tư được yêu cầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn mua cổ phần và không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Đồng thời không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức.

Tổng số cổ phần sở hữu sau khi mua thêm phải đáp ứng các quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng gồm: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ DongA Bank, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông không được sở hữu vượt quá 20%.

Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Cổ phần chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày DongA Bank hoàn thành đợt chào bán.

Nói về sự cần thiết phải bổ sung vốn điều lệ, tại tờ trình, lãnh đạo DongA Bank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ban kiểm soát đặc biệt, DongA Bank đã tiến hành thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của ngân hàng tại 31/12/2018. 

Theo số liệu đã kiểm toán của E&Y, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank tính đến ngày 31/12/2018 có lỗ luỹ kế, nguồn vốn sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo DongA Bank có giá trị thực của vốn tối thiểu bằng vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng thì ngân hàng phải thực hiện việc bổ sung vốn điều lệ. 

Căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của ngân hàng hiện nay, DongA Bank chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên với điều kiện hiện tại, DongA Bank không thể thực hiện phát hành cho cổ đông hiện hữu vì không đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng quy định tại Luật chứng khoán năm 2006: “Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký chào bán”.

Do đó, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ. Hình thức chào bán này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ luỹ kế ở năm liền trước năm chào bán như chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tuy nhiên, phát hành theo hình thức này thì chỉ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet. Đồng thời, nhà đầu tư mua cổ phần của đợt chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm. 

Dự kiến,  phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 vào sáng 12/10 tại TPHCM. Nếu không đủ điều kiện tổ chức lần 1, ngân hàng này sẽ tiếp tục triệu tập họp lần 2 và lần 3 vào ngày 17/10 và 22/10. 

Mai Chi