1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đón TPP: Từ chối dự án FDI bất lợi cho Việt Nam

(Dân trí) - Bắt đầu có những chuyển dịch ở một số ngành kinh tế để đón cơ hội phát triển nhờ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại, nhưng hôm qua (8/3), Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa đưa ra cảnh báo mặt trái của quá trình này.

Chỉ doanh nghiệp Việt chậm chạp

Theo Bộ Công thương, để chuẩn bị đón cơ hội do Hiệp định TPP mà Việt Nam sẽ tham gia có hiệu lực từ năm 2018, đang có những dấu hiệu chuyển dịch nhất định về đầu tư trong một số ngành kinh tế: dệt may, thủy sản, đồ gỗ, nông sản…


Ngành dệt may có nhiều cơ hội phát triển nhờ TPP

Ngành dệt may có nhiều cơ hội phát triển nhờ TPP

Trung tâm Thông tin-Thương mại công nghiệp của Bộ này phân tích, hiện nay, gỗ xuất khẩu tập trung vào sản phẩm chính, như: gỗ băm (gỗ vụn), gỗ ván bóc, gỗ dán, gỗ xẻ, đồ gỗ nội, ngoại thất… Trừ đồ gỗ nội, ngoại thất, những mặt hàng còn lại đều là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, như: gỗ vụn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan làm giấy; gỗ ván bóc sang Malaysia làm gỗ dán; gỗ xẻ sang Nhật Bản, Hàn Quốc... làm đồ nội thất.

“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực nói trên của ngành gỗ khi vào TPP lại không nằm trong đối tượng được giảm thuế”, Trung tâm này đưa ra đánh giá.

Ngoài ra, theo Bộ Công thương, một số mặt hàng nông sản khác, như: cà phê, thanh long, vải thiều… cũng khó xuất khẩu khối lượng lớn vào những thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản - đây cũng là những quốc gia dành cho Việt Nam ưu đãi lớn khi TPP có hiệu lực.

Do đó, để thích nghi với thị trường mới, theo Bộ Công thương, một số doanh nghiệp đang có những chuyển dịch hướng đầu tư, vào những sản phẩm, mặt hàng sẽ được ưu đãi thuế theo TPP.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VietGo - một doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu dự báo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài có vốn, công nghệ sẽ đổ xô đầu tư vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi lớn về thuế.

Theo ông Việt, trong ngành gỗ, đã có một số nhà đầu tư từ Trung Quốc, Thụy Điển sang tìm đối tác để xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất. Còn trong ngành dệt may, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài từ Đài Loan, Hồng Kông sang Việt Nam bao tiêu, xuất khẩu sản phẩm dệt may, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, như: vải, cúc, sợi và nguyên liệu đầu vào để tận dụng mức thuế giảm tối đa.

“Họ tìm đối tác, đàm phán mẫu mã rồi qua Việt Nam mở văn phòng đại diện, thuê người kiểm hàng, đặt hàng để sản xuất, xuất khẩu. Ví dụ, một bộ quần áo Adidas họ xuất bán với giá 200 USD nhưng giá thành sản xuất ở Việt Nam có khi chỉ 8-10 USD. Doanh nghiệp Việt chỉ được hưởng 1-2 USD tiền gia công”, ông này nói.

Cũng theo ông Việt, để đón đầu TPP, các doanh nghiệp trong nước sẽ hướng tái cấu trúc sản xuất theo hướng đầu tư vào các khâu, như: thiết kế, giao thương trực tiếp, sản xuất nguyên phụ liệu, tạo sản phẩm đầu ra thực sự có chất lượng... để hàng hóa có thể vào được các thị trường cao cấp của TPP, như: Nhật, Mỹ, Canada, Úc.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các ngành sản xuất nông sản như gạo, điều, cà phê…cũng đang phải chuyển dịch sang sản xuất sạch, hàng “bio” nếu không, không vào được thị trường TPP.

“Hiện nay tuy cũng đã bắt đầu có những sự chuyển dịch nhưng tôi chỉ thấy ở khối FDI, ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu như không thấy chuyển động. Cái này rất đáng lo”, ông Thành nói.

Dự án FDI: bị từ chối ở Quảng Ninh, lại chạy lên Phú Thọ

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những mặt trái của quá trình chuyển dịch ở một số ngành kinh tế, nhất là dệt may.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Hiện nay, có những dự án đầu tư vào để đón cơ hội từ TPP cần phải kiểm soát, nếu không, sẽ có những dự án đầu tư không có lợi cho Việt Nam, không làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực”.

Trao đổi với một số chuyên gia kinh tế ngày 8/3, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Vừa rồi, có một doanh nghiệp Hồng Kông họ đăng ký dự án đầu tư cơ sở nhuộm ở Quảng Ninh. Doanh nghiệp này, theo hồ sơ một tháng họ sẽ dùng hàng triệu m3 nước, bơm xả ra ngoài mà không có hệ thống xử lý nước thải. Tôi đã yêu cầu tỉnh không cấp phép”..

“Sau khi tôi yêu cầu, thì họ lại chạy lên Phú Thọ, tôi cũng yêu cầu không được cấp cho doanh nghiệp này vì với qui mô lấy nước như vậy, ngay cả người dân ở khu vực có thể bị thiếu nước, mà lại gây ô nhiễm. Ta không được gì cả”, ông nói.

“Nếu không kiểm soát tốt, nhiều địa phương hiện nay cứ cố gắng thu hút FDI, có tỉnh dự án nào đăng ký cũng đồng ý thì rất nguy hại vì đã vào sẽ không đuổi được. Không phải doanh nghiệp nào FDI vào họ có lợi là ta có lợi”, ông nói thêm.

Mạnh Quân