Đón tin vui từ Mỹ, ông Dương Ngọc Minh và loạt đại gia thủy sản “phục hận”
(Dân trí) - Chỉ sau hơn 2 tháng, cổ phiếu HVG của “vua cá” Hùng Vương đã tăng 82,6% so với mức đáy thiết lập ngày 5/7/2018. Trong khi đó, cổ phiếu của “vua tôm” Minh Phú và “nữ hoàng thủy sản” Vĩnh Hoàn cũng bứt tốc. Tài sản các đại gia thủy sản gia tăng đáng kể trong 1 ngày!
Thị trường bước vào phiên chiều với hoạt động chốt lời diễn ra tại phần lớn mã chứng khoán đã có thời gian tăng trưởng “nóng” trong những phiên vừa qua.
Biên độ tăng của VN-Index nhanh chóng thu hẹp so với phiên sáng, còn 1,95 điểm tương ứng 0,2% và chỉ số dừng lại tại mức 987,01 điểm. Trên sàn HSX, số mã tăng còn 154 mã, dù vậy vẫn đang thắng thế so với số mã giảm (129 mã). Đáng nói là phân nửa rổ VN30 giảm giá và chỉ số của nhóm này mất nhẹ 0,24 điểm tương ứng 0,03%.
Toàn sàn HSX có tổng cộng 183,8 triệu cổ phiếu giao dịch, giá trị giao dịch đạt 4.132,45 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 52,16 triệu cổ phiếu tương ứng 724,01 tỷ đồng.
Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường đã “hạ nhiệt” thì GAS vẫn mang về cho VN-Index tới 3,31 điểm. Mã này kết phiên với mức tăng mạnh 5.500 đồng/cổ phiếu, thị giá đạt 109.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tăng giá, dù nhiều mã đã không còn giữ được mức tăng mạnh như phiên sáng. PLX tăng 1.000 đồng, PVD, PVT, PVB, POS… đều đóng cửa ở mức giá xanh.
Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng “rủ nhau” giảm điểm. Loạt “ông lớn” BID, CTG, VCB, TCB, VPB đồng loạt “đỏ sàn”.
Bất chấp đà tăng trên thị trường thu hẹp, cổ phiếu HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương vẫn tiếp tục diễn biến tích cực, tăng trần lên 4.420 đồng.
Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của mã này, trong đó có tới 3 phiên tăng trần. Khối lượng khớp lệnh ở mã này đạt cao, riêng trong phiên này đạt hơn 1,1 triệu đơn vị, cuối phiên không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần gần 392 nghìn đơn vị.
Như vậy, tính đến hết phiên này, chỉ sau hơn 2 tháng, cổ phiếu HVG đã tăng 82,6% so với mức đáy thiết lập ngày 5/7/2018.
Mới đây, kết quả thuế chống bán phá giá (CBPG) với cá tra Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính thứ 14 (POR14) đã được công bố. Theo đó, trong giai đoạn xuất khẩu từ 1/6/2016 đến 31/7/2017, Công ty Cổ phần Hùng Vương có mức thuế CBPG là 0.
Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hoè, dù kết quả của POR14 đối với cá tra Việt Nam mới là kết quả sơ bộ, kết quả chính thức sẽ được DOC công bố trong 6 tháng tới nhưng đây là tín hiệu tích cực với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, thông tin từ VASEP cũng cho biết, ngày 10/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế CBPG cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017).
Mức thuế cuối cùng 4,58% được đánh giá là đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11 (25,76%).
Những thông tin này đã hỗ trợ đáng kể cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên sàn. MPC của “vua tôm” Minh Phú hồi phục mạnh 2.700 đồng/cổ phiếu, VHC của Vĩnh Hoàn cũng tăng tới 4.100 đồng/cổ phiếu.
Mai Chi