1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dồn dập phát hành trái phiếu, ngân hàng huy động vốn có thành công?

(Dân trí) - Có trái phiếu kỳ hạn 2 năm, nhưng cũng có trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thể hiện rõ nhu cầu huy động vốn của từng ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu dài hạn Agribank 2019 với mệnh giá phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm và đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép.

Đây là ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có sứ mệnh đặc biệt trong hỗ trợ, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Dự kiến năm 2019, con số lợi nhuận ngân hàng này sẽ đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Trong chiến lược phát triển, ngân hàng đang phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020.

Việc ngân hàng phát hành trái phiếu không phải là chuyện hiếm trong điều kiện áp lực vốn tự có gia tăng, đồng thời bổ sung nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế, đặc biệt là cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn đã được ngân hàng cam kết cho vay. Mới đây nhất, LienVietPostBank cũng đã phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. Các nhà đầu tư trái phiếu đều là những tổ chức có kinh nghiệm và có tên tuổi trên thị trường tài chính.

Dồn dập phát hành trái phiếu, ngân hàng huy động vốn có thành công? - 1

Từ đầu năm tới nay, thị trường liên tục chứng kiến các ngân hàng thương mại thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn. Và đến thời điểm hiện tại, tần suất ngân hàng công bố phát hành trái phiếu ngày càng dày, quy mô huy động vốn cũng đang nhiều lên (ảnh minh họa).

Hay như Ngân hàng VPBank vừa huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm dưới sự tư vấn của các tổ chức danh tiếng là BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered. Trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.

Đặc biệt, đây là lượng trái phiếu quốc tế lớn nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế từ trước đến nay.

Khảo sát cho thấy, từ đầu năm tới nay, thị trường liên tục chứng kiến các ngân hàng thương mại thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn. Và đến thời điểm hiện tại, tần suất ngân hàng công bố phát hành trái phiếu ngày càng dày, quy mô huy động vốn cũng đang nhiều lên.

Hồi cuối tháng 5, VietinBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu HDBank lần 3 năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng để huy động vốn.

Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019 với 2.500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ. Đến cuối tháng 5, ngân hàng này tiếp tục đưa ra kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm.

Và trong năm 2018, chỉ tính riêng 6 ngân hàng lớn bao gồm: Vietcombank , BIDV, VIB, HDBank, VPBank, VietinBank, tổng số phát hành đã lên tới hơn 32 nghìn tỷ đồng với các kỳ hạn đa dạng, từ 2 năm đến 15 năm.

Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đã phát hành trái phiếu, đề cập tới kỳ vọng đợt phát hành đại diện Agibank cho biết: Dù phát hành sau nhưng trái phiếu Agribank cũng có sự hấp dẫn riêng, đó là trải qua sự kiểm soát rất chặt chẽ trước khi trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép phát hành trái phiếu Agribank.

Lãi suất của trái phiếu sẽ bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam của 4 ngân hàng lớn hiện nay (BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank) cộng thêm 1,2%/năm.

Ngoài ra, "trái chủ của Agribank có thể cầm cố đi vay ở bất cứ ngân hàng nào. Nếu vay tại ngân hàng chúng tôi thì thủ tục vay đơn giản, thuận tiện, lãi suất vay sẽ khoảng cao hơn khoảng 0,5%, khách hàng hoàn toàn có quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng thoải mái và được quyền bán lại cho đầu tư thứ cấp", đại diện Agribank khẳng định.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu có thể sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Bởi theo dự thảo thông tư thay thế thông tư 36 mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố, chậm nhất đến đầu tháng 7/2022, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được đưa về mức 30%. Do đó, việc các ngân hàng chủ động chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho hoạt động cho vay kỳ hạn dài thông qua phát hành trái phiếu là một động thái "khôn ngoan" và hợp thời.

Quan trọng hơn đối với một số ngân hàng, việc phát hành trái phiếu còn có mục đích bổ sung nguồn vốn tự có cấp 2 để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) khi thời hạn áp dụng Basel 2 đã cận kề.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB mới đây cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng gần 3 lần trong 4 năm qua. Từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đã phát hành gần 60 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng 72%.

Nguyễn Hiền 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm