Doanh nghiệp vừa và nhỏ -một mục tiêu "ưu tiên" của tín dụng đen

(Dân trí) - Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% và đóng góp 50% GDP. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải tiếp cận với “tín dụng đen”.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ -một mục tiêu ưu tiên của tín dụng đen - 1

Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng. 

Ngày 14/11, đại diện Validus Capital (một nền tảng hỗ trợ tài chính của Singapore) cho biết, Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp nhưng có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các doanh nghiệp này đóng góp đến 50% GDP nhưng việc tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh lại rất khó khăn.

Ông Nikhilesh Goel, chuyên gia tài chính doanh nghiệp tại Đông Nam Á cho biết, các DNVVN chủ yếu đi vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, có đến 98% các khoản vay đều được ngân hàng yêu cầu thế chấp tài sản, trong khi các DNVVN chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất nên không có nhiều tài sản và chủ yếu là vay tín chấp.

“Nguồn vốn mà các DNVVN tại Việt Nam đang thiếu hụt có thể lên tới 21 tỷ USD, có đến 66% số doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục phát triển và 33% số doanh nghiệp có kế hoạch phát triển gấp 2 lần hiện tại. Chính vì vậy, nhu cầu về vốn của các DNVVN là vô cùng lớn”, ông Nikhilesh Goel nói.

Ông Nikhilesh Goel chia sẻ, mặc dù các DNVVN rất cần vốn nhưng việc vay vốn tại các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, các sản phẩm tín dụng của ngân hàng chủ yếu dành cho các doanh nghiệp lớn.

Các ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mới cho vay. Tuy nhiên, các DNVVN thường xuất phát từ quy mô gia đình, nhỏ lẻ với nhiều ngành nghề khác nhau nên khó đáp ứng được những yêu cầu từ phía ngân hàng.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ -một mục tiêu ưu tiên của tín dụng đen - 2

Ông Nikhilesh Goel, chuyên gia tài chính doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Nikhilesh Goel thì việc vay vốn online đang là xu hướng của nhiều nước phát triển vì quy trình đơn giản, phê duyệt nhanh chóng. Người đi vay và nhà đầu tư sẽ gặp nhau trên các ứng dụng. Nhà đầu tư sẽ đọc hồ sơ của những người đi vay và quyết định sẽ cho ai vay. Hồ sơ của người đi vay sẽ được thẩm định, kiểm duyệt chặt chẽ từ các công ty quản lý nền tảng cho vay.

Ông Hoàng Đức Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital nhận định, DNVVN đóng góp rất lớn cho GDP của cả nước. Tuy nhiên, các dịch vụ tài chính phục vụ cho các DNVVN lại chưa có.

“Tôi thấy nhiều doanh nghiệp đi vay quá vất vả, họ phải nài nỉ, thậm chí là van xin để vay được đồng vốn. Việc có những nền tảng cho vay hiện đại tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, nó sẽ dần đẩy lùi cơ chế xin – cho và giúp đỡ các DNVVN”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, chỉ số tín dụng cho DNVVN ở Việt Nam hầu như là bằng 0 nên việc vay tiền là rất khó. Trong khi đó, ngân hàng chỉ phục vụ một bộ phận doanh nghiệp rất nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp lớn có tài sản. Nhiều doanh nghiệp không được phục vụ vốn đã phải tiếp cận với “tín dụng đen” dẫn đến hậu quả nặng nề.

Bà Trần Thị Thúy Hà, đại diện một doanh nghiệp tài chính cho biết, các DNVVN thường cần những số tiền nhỏ trong khoảng thời gian ngắn nên muốn vay với thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp hơn ngân hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp này đã có những giải pháp để hỗ trợ.

“Tôi lấy ví dụ, các DNVVN cung cấp hàng hóa cho siêu thị thường phải chờ từ 60 – 90 ngày để được thanh toán tiền. Trong khi đó, những DNVVN lại ít vốn, nếu phải chờ 2 – 3 tháng mới lấy được tiền thì việc xoay sở dòng vốn sẽ gặp khó khăn dẫn tới kẹt vốn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiến hành thanh toán trước khoản tiền mà doanh nghiệp đang bị nợ và giải phóng dòng vốn cho họ. Tất nhiên, chúng tôi sẽ thu thêm một khoản lãi suất nhất định và có mức lãi này thấp hơn ngân hàng”, bà Hà chia sẻ.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường hỗ trợ tài chính cho các DNVVN tại Việt Nam sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Dự kiến, khoản vay bình quân của các DNVVN sẽ dao động từ 300 – 400 triệu đồng. Tuy nhiên, rủi ro về khung pháp lý, rủi ro xét duyệt cho khách hàng, rủi ro về vận hành…sẽ là những điều khó tránh khỏi đối với các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính.

Đại Việt