1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đổi tiền lẻ: Dịch vụ hốt bạc

Dù đã bị nghiêm cấm nhưng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra tấp nập dịp cuối năm, từ các khu phố, cổng chùa đến trên mạng. Tiền đồng mệnh giá nhỏ không được in thêm tạo tâm lý khan hàng ngoài thị trường chợ đen, đẩy giá đổi lên cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Dịp Tết Nguyên đán năm nay, NHNN sẽ hạn chế in tiền đồng mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống, thay vào đó sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng ra lưu thông để phục vụ nhu cầu của người dân, tránh lãng phí. NHNN cũng khẳng định lượng tiền lẻ dự trữ trong kho tương ứng với lượng tiền lẻ đang lưu hành trên thị trường, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tăng đột biến vào dịp Tết.

Sốt giá vì khan tiền

Theo cán bộ một ngân hàng (NH) lớn tại Hà Nội, thông thường, hạn mức đổi tiền theo tiêu chuẩn của mỗi nhân viên là 14-20 triệu đồng, bao gồm các loại mệnh giá từ 1.000 đồng đến cao hơn. Tuy nhiên, năm nay có thể không có tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng để đổi. Nếu ai có nhu cầu dùng khi đi lễ, chỉ còn cách đổi tiền đã qua sử dụng.


Tiền lẻ được bày trong tủ kính với đủ loại mệnh giá ở cổng chùa Hà, TP Hà Nội Ảnh: HÀ PHƯƠNG.
Tiền lẻ được bày trong tủ kính với đủ loại mệnh giá ở cổng chùa Hà, TP Hà Nội Ảnh: HÀ PHƯƠNG.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đầu tư ra nước ngoài phải mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ


“Hạn mức cũng sẽ được phân bổ theo vị trí, chức vụ công việc. Mỗi NH chỉ được cung ứng nguồn tiền mới theo đủ chỉ tiêu. Nguồn tiền thực tế xin về được còn tùy thuộc vào “ngoại giao” của mỗi nơi. Nếu ngoại giao tốt, lượng tiền mới xin về có thể sẽ cao hơn, hạn mức phân bổ cho nhân viên cũng lớn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này chưa thể biết được hạn mức là bao nhiêu. Khả năng nhân viên NH bung tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường là ít vì thực tế không có tiền lẻ” - vị này khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý hiện nay, có thể nhiều người vẫn giữ lượng tiền lẻ mới rất lớn. Vì thế, không thể khẳng định là năm nay không có tiền lẻ mới để đổi tại các điểm chùa, di tích...

Dù nguồn tiền mệnh giá nhỏ mới ở NH không có nhưng ngoài thị trường, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt so với các năm trước. Dù bị hét giá cao với lý do khan tiền nhưng thực tế, người dân vẫn đổi, phía cung cấp vẫn bung ra lượng tiền dồi dào.

Ngày 4/1, khi chúng tôi liên hệ với chủ nhân trang web đổi tiền lẻ doitien..., anh này phát giá: Tiền loại 1.000 đồng, phí đổi là 15% (tức 115.000 đồng đổi được 100.000 đồng). Tiền mệnh giá 500 đồng, phí đổi cực đắt, lên tới 110%, tức 210.000 đồng chỉ đổi được 100.000 đồng. Trong khi đó, Tết năm ngoái, phí đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng ở mức 50% đã được xem coi là “chặt chém”. Với các mệnh giá cao hơn, phí đổi tiền có thể giảm xuống thấp hơn. Tuy nhiên, phí có thể thay đổi theo từng ngày tùy tình hình nguồn cung tiền.

Lý giải vì sao chi phí đổi tiền cắt cổ, chủ nhân trang web nêu trên cho biết do năm nay NH không in thêm loại mệnh giá nhỏ nên sẽ rất khan tiền, nhất là vào thời điểm cận Tết. “Ai có nhu cầu thì nên đổi tiền ngay bây giờ, giá cả vẫn còn phải chăng. Nếu để đến gần Tết thì phí còn đắt hơn nhiều” - anh này “cảnh báo”.

Tại các cổng chùa khu vực Hà Nội, hoạt động đổi tiền vẫn sôi động. Theo khảo sát của chúng tôi, các điểm đổi tiền lẻ ở khu vực chùa Phúc Khánh, chùa Hà…, loại mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng được đổi ở mức “10 ăn 7-8”; mệnh giá 5.000, 10.000 đổi ở mức phí thấp hơn, thường là “10 ăn 8,5-9”. Hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra khá công khai. Các xấp tiền lẻ được bày biện trong những ô tủ kính với đủ mệnh giá.

Ở khu vực chùa Quán Sứ, hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra có phần kín đáo hơn. Người đổi tiền không bày công khai “hàng” trên bàn mà cất phía dưới, khi khách có nhu cầu đến hỏi mới mang ra.

Phố Đinh Lễ - “lãnh địa” của dân buôn tiền lẻ ở Hà Nội - năm nay có vẻ trầm lắng hơn. Tuy nhiên, hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới đã bắt đầu rục rịch. Mức phí đổi tiền lẻ hiện là 20%, tức “10 ăn 8”, đối với các mệnh giá 2.000-10.000 đồng. Riêng tiền mệnh giá 1.000 đồng, phí lên tới 30%-35%. Tiền mệnh giá lớn hơn 10.000 đồng có mức đổi 10% hay “10 ăn 9”.

Dù NH đã ngừng phát hành tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống nhưng tại đây vẫn dồi dào nguồn tiền này. Thậm chí, chúng tôi còn nhìn thấy những cọc tiền mới cứng và đủ seri.

Tiền nào cũng có

Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý muốn đổi tiền lẻ, tiền mới đầu năm để lì xì, làm quà tặng của người dân, dù còn cách Tết Nguyên đán 2014 gần 1 tháng nhưng hiện nay, các trang web đổi tiền lẻ, tiền mới, tiền USD... đã bắt đầu hoạt động rầm rộ. Với mức phí cắt cổ, các trang web này đã thu được lợi nhuận siêu khủng.

Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “đổi tiền lẻ, đổi tiền mới…”, ngay lập tức, hàng ngàn kết quả liên quan và hàng trăm website kinh doanh dịch vụ này liền hiện ra. Tại các website này, những người kinh doanh cung cấp sẵn số điện thoại liên lạc, dịch vụ vận chuyển tiền đổi khắp cả nước với hàng loạt loại tiền, từ đồng Việt Nam, USD, tiền “độc, lạ”...

Các website này đều cho biết có thể đổi mọi loại tiền Việt Nam mới cho khách hàng và báo giá: Loại tiền cũ 200, 500 đồng thì thu phí 20%-50%; các loại 10.000, 20.000, 50.000 đồng cotton hay tiền polymer mới 100.000, 200.000, 500.000 đồng thì mức phí đổi 5%-15%.

Chúng tôi thử gọi cho một người tên Long ở TPHCM qua số điện thoại để lại trên một trang web, ngỏ ý muốn đổi tiền lẻ mới để lì xì cho con cháu. Long khẳng định muốn đổi loại nào cũng có, bao nhiêu cũng đáp ứng. Long cho biết hiện nay, tiền mới Việt Nam vẫn còn khan hiếm, nhất là loại 200, 500 đồng hay tiền cotton 10.000, 20.000, 50.000 đồng. Tiền polymer mới vẫn có nhưng ít, 1-2 tuần nữa sẽ rất nhiều và đổi với mức phí tương tự như trên.

“Nếu khách ở Hà Nội hay TPHCM thì sẽ có người mang tiền đổi đến tận nơi, không mất phí” - Long nói. Các website nêu trên còn rao đổi tiền có số seri đẹp như loại có số theo ngày sinh, số tiến, số lùi, tứ quý, tam hoa…, với giá từ 1 đến 5 triệu đồng/tờ, tùy mệnh giá.

Ngoài tiền lẻ, tiền mới Việt Nam thì những năm gần đây, vào dịp Tết, các loại ngoại tệ - đặc biệt là tờ 1, 2 USD cả mới lẫn cũ - là mặt hàng được đổi, rao bán rầm rộ. Trên mỗi website cung cấp, đổi tiền hay trang rao vặt đều có hàng trăm người kinh doanh dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ đổi 2 USD mới và cũ là ồn ào nhất. Những website này quảng cáo tiền 2 USD được cho là mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho người được lì xì. Vì thế, những năm gần đây, rất nhiều người đã tích cực săn lùng loại tiền này vào dịp Tết.

Theo như các website này quảng cáo thì đối với những tờ tiền USD mới, mức độ đắt rẻ luôn phụ thuộc mã số seri. Với tiền cũ thì dựa vào năm sản xuất để đo giá trị, tờ nào phát hành càng lâu, càng “cổ” thì giá trị càng cao. Một tờ 2 USD mới được đổi với mức giá 48.000-50.000 đồng, nguyên lốc thì tính 45.000 đồng/tờ. Tuy nhiên, tờ 2 USD in năm 1976 có giá 130.000-150.000 đồng, tờ 2 USD in năm 1963-1953 giá 300.000-400.000 đồng, còn tờ 2 USD “siêu hiếm” in năm 1917 có giá đến 2 triệu đồng. Các tờ tiền 2 USD mạ vàng 3D, in 7 màu, mạ bạc, seri đẹp… có giá đổi khoảng 45.000-650.000 đồng.

Các website này còn nhận đổi tiền “độc, lạ” của Zimbabwe, Nam Tư... mệnh giá “khủng”. 

Siêu lợi nhuận

Khi người dùng muốn đổi 1 triệu đồng tiền lẻ loại mệnh giá 200, 500 đồng thì sẽ phải bỏ ra 1,2-1,5 triệu đồng. Với các loại tiền polymer mới, muốn đổi 1 triệu đồng, người dùng phải bỏ ra 1,05-1,15 triệu đồng.

Trong khi đó, với tờ 2 USD mới, người đổi phải chịu chênh lệch 5.000-10.000 đồng. Với các tờ USD cũ thì số tiền chi phí quy đổi mà người dân phải bỏ ra còn lên đến mức chóng mặt, cao gấp 10-20 lần, tiền hiếm phải mất đến 50-100 lần so với giá trị thực của nó.

Biết là bị “cắt cổ” nhưng vì cần tiền đi lễ chùa, lì xì, tặng nhau... nên nhiều người vẫn chấp nhận. Trong khi đó, các trang mạng, các điểm đổi tiền thì cứ mặc sức hoạt động, thoải mái thổi giá mỗi khi năm hết Tết đến.

Kiểm tra, xử lý nghiêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Chủ trương này nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giảm bớt tình trạng sử dụng tiền nhỏ, lẻ không đúng mục đích, góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

 


Theo Phương Nhung - Chánh Trung
NLĐ
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm