Đối thủ của "thái tử Samsung" mất 7 tỷ USD tài sản sau loạt bê bối
(Dân trí) - Một loạt bê bối liên tục xảy ra với Brian Kim, người từng vượt mặt cả "thái tử Samsung" để là người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc, khiến giá trị tài sản của ông "bốc hơi" 7 tỷ USD.
Từ một cậu bé nghèo khó, năm ngoái, Brian Kim đã vượt qua cả người thừa kế Samsung Jay Y. Lee, trở thành người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó một loạt bê bối liên tục xảy ra với người giàu nhất Hàn Quốc khiến giá trị tài sản của ông "bốc hơi" 7 tỷ USD.
Đầu tiên là những lo ngại về độc quyền đối với "gã khổng lồ" nhắn tin Kakao Corp khi Hàn Quốc thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt để chống hành vi này. Sau đó là phản ứng dữ dội của giới đầu tư khi các giám đốc điều hành bán cổ phiếu quá sớm ngay sau khi IPO thành công. Và tuần trước, ông Kim còn dính bê bối bị cáo buộc trốn thuế 886 tỷ won (tương đương 722 triệu USD) dù Kakao đã bác bỏ cáo buộc này là "vô căn cứ".
Tuy nhiên, điều đó đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Kakao, khiến cổ phiếu này giảm 48% so với mức đỉnh tháng 6 năm ngoái, xóa sổ khoảng 7 tỷ USD tài sản của ông Kim, theo Bloomberg Billionaires Index.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, Kim là người đầu tiên trong số các anh chị em mình được học đại học. Năm 2006, Kim bắt đầu thành lập công ty tiền thân của Kakao và ra mắt ứng dụng nhắn tin di động Kakao Talk 4 năm sau đó. Sau đó công ty mở rộng sang các mảng ngân hàng trực tuyến, trò chơi trực tuyến và ứng dụng gọi xe.
Trong vòng chưa đầy 2 năm, 3 trong số các đơn vị của Kakao đã được niêm yết gồm: Kakao Games Corp., KakaoBank Corp. và Kakao Pay Corp. Một số đơn vị khác như Kakao Mobility Corp và đơn vị điều hành nền tảng truyện tranh kỹ thuật số Piccoma cũng đang chờ để niêm yết.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chóng mặt này khiến Kakao phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về mặt pháp lý. Sự thống trị của Kakao bị chỉ trích sẽ đe dọa đến các cửa hàng bán lẻ. Tháng 9 năm ngoái, tỷ phú Kim đã cam kết hỗ trợ 300 tỷ won cho các tiểu thương và sẽ xem xét loại bỏ các dịch vụ cạnh tranh với họ như giao hoa.
Một cuộc bê bối khác xảy ra vào cuối năm ngoái khi các giám đốc điều hành Kakao Pay bán cổ phần ngay sau khi ra mắt thị trường chứng khoán hồi tháng 11, khiến giá cổ phiếu của các đơn vị trong tập đoàn sụt giảm. Tuần trước 3 trong số các giám đốc cấp cao của công ty này đã phải từ chức.
Liên quan đến bê bối trốn thuế, người phát ngôn của Kakao cho biết, cuộc điều tra thuế do cơ quan cảnh sát phía nam tỉnh Gyeonggi thực hiện sau khi có cáo buộc ông Kim thao túng tài khoản để trốn thuế thu lợi từ việc sáp nhập Kakao và cổng thông tin điện tử Daum hồi 2014. Năm 2019, văn phòng công tố quận trung tâm Seoul đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, ông Kim hiện có 8 tỷ USD giá trị tài sản, chủ yếu dựa trên 24% cổ phần nắm giữ trực tiếp tại Kakao và thông qua K Cube Holding, công ty mẹ được cấu trúc như văn phòng gia đình. Ông Kim cũng đối mặt với cáo buộc rằng K Cube vi phạm quy định cấm các công ty liên quan đến đầu tư tài chính thực hiện quyền biểu quyết trong các chi nhánh phi tài chính.
Tỷ phú Kim cũng là một trong những người "cam kết cho đi". Tháng 3 năm ngoái, ông cùng vợ đã ký kết sáng kiến Giving Pledge của tỷ phú Warren Buffett, với cam kết cho đi hầu hết tài sản trong suốt cuộc đời.
Ngành công nghệ đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẵn sàng tăng lãi suất. Lĩnh vực này đã giảm mạnh so với mức cao nhất trong tháng 12 khi nhà đầu tư có xu hướng tránh các cổ phiếu có giá trị cao để đầu tư vào các cổ phiếu rẻ hơn với kỳ vọng kiếm lãi tốt hơn trong bối cảnh chi phí lãi vay tăng cao.