Đối thoại về trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại APEC

Trong khuôn khổ diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017, tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPDWE).

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhấn mạnh những mục tiêu trọng điểm bao gồm tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ để thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế. Một trong những yêu cầu cấp thiết là tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội của phụ nữ. Với chủ đề “She means Business” (Phụ nữ là Doanh nhân), buổi đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền kinh tế và hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ trong nền kinh tế khu vực.

Trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề “Hoà nhập kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ - động lực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện”, “Nữ doanh nhân trong bối cảnh thay đổi của thị trường toàn cầu”, “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số”. Đại diện cho tập đoàn đa quốc gia có nhiều sáng kiến và hoạt động trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bà Stacey Valy Panayioutou, Giám đốc Phát triển Nhân sự Toàn cầu của Công ty Coca-Cola đã chia sẻ về chương trình 5by20 đang được triển khai trên toàn cầu và nhấn mạnh việc đầu tư vào phụ nữ có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Việc mở ra tiềm năng kinh doanh của phụ nữ là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp đỡ gia đình và cộng đồng trở nên thịnh vượng.

Bà Stacey Valy Panayioutou, Giám đốc Phát triển Nhân sự Toàn cầu của Công ty Coca-Cola trình bày sáng kiến 5by20 tại Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC.
Bà Stacey Valy Panayioutou, Giám đốc Phát triển Nhân sự Toàn cầu của Công ty Coca-Cola trình bày sáng kiến 5by20 tại Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC.

5by20 là sáng kiến toàn cầu của Coca-Cola nhằm mục đích nâng cao vị thế cho 5 triệu nữ doanh nhân trên thế giới trong suốt chuỗi giá trị của mình đến năm 2020. Bà Panayioutou chia sẻ, "ra mắt vào năm 2010, chương trình đã tạo cơ hội cho 1,7 triệu phụ nữ doanh nhân ở 64 quốc gia được tiếp cận với các khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh, dịch vụ tài chính, tài sản, cũng như mạng lưới đồng sự và cố vấn thông qua quan hệ đối tác và hợp tác trong Tam giác Vàng công tư giữa doanh nghiệp - Chính phủ - xã hội.

Tại Việt Nam, Coca-Cola triển khai sáng kiến 5by20 thông qua các khóa đào tạo trực tuyến (e-learning) được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam. Các khóa đào tạo trực tuyến này cung cấp kiến thức kỹ năng khởi sực doanh nghiệp và kế hoạch tài chính hoàn chỉnh nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ vững tin, sẵn sàng triển khai các hoạt động kinh doanh để cải thiện kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm và góp phần phát triển xã hội bền vững.

Chương trình e-learning được triển khai tại các trung tâm hoạt động cộng đồng EKOCENTER – là sáng kiến toàn cầu bởi Coca-Cola, phối hợp thực hiện cùng các tổ chức xã hội và tư nhân trên mối quan hệ hợp tác công tư nhằm đem đến nước sạch, các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Ở Việt Nam, trung tậm hoạt động cộng đồng EKOCENTER đầu tiên ra mắt vào năm 2015 và được mở rộng đến bảy đơn vị tại các khu vực Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hạ Long, Bến Tre, An Giang và Đồng Tháp.

Các khóa đào tạo theo chương trình 5by20 của Coca Cola tại Việt Nam.
Các khóa đào tạo theo chương trình 5by20 của Coca Cola tại Việt Nam.

Chia sẻ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội nghị cũng cho thấy, kỷ nguyên số là một bước tiến vượt bậc của nhân loại nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với xã hội, đặc biệt là nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại vì thế cần có các chính sách tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, kỹ thuật số nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận những cơ hội về nghề nghiệp, kinh doanh, quảng bá cũng như các cơ hội giao lưu, kết nối mạng lưới. Các chương trình đào tạo trực tuyến thực sự đang mang lại những giá trị thực tiễn góp phần rút ngắn khoảng cách giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Trong phiên thảo luận tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam chia sẻ về việc cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam đã và đang tích cực hoạt động, tạo ra những kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, khu vực và toàn cầu bất cứ khi nào có thể đến chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Coca-Cola. Cũng như đồng hành cùng các doanh nghiệp này thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho các nữ doanh nhân Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ về những kết quả báo cáo của Liên Hiệp Quốc và của các Viện nghiên cứu đều khẳng định rằng, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội sẽ là động lực thúc đẩy và tăng cường bền vững và bao trùm và những doanh nghiệp có ít nhất 1 nữ lãnh đạo có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức bình quân và được đánh giá cao hơn trên thị trường chứng khoán.

“Hơn bao giờ hết, các nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan trực tiếp giữa trao quyền cho phụ nữ và tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh doanh, tạo dựng môi trường bền vững, cải thiện sức khoẻ con người và các tác động tích cực khác", Bà Panayioutou chia sẻ thêm.

HL