1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đổi mới dịch vụ công, chi tiêu công: Dễ người nhưng khó ta!

(Dân trí) - Trong thời đại hội nhập, quản lý Nhà nước cần thay đổi sang dịch vụ, kiến tạo và phát triển thay vì quản lý, kiểm soát và mệnh lệnh hành chính. Chúng ta gia nhập nhiều sân chơi lớn, với các quy tắc và tiêu chuẩn tự do hóa rất caocần phải thay đổi và thích ứng với thời cuộc.

Tại buổi Hội thảo quốc tế "Đổi mới dịch vụ công và chi tiêu công" diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đã nhận định: Việt Nam đang có nhiều cơ hội để chuyển đổi nhanh, mạnh từ cơ chế quản lý kinh tế cũ sang Nhà nước kiến tạo, phát triển: đó là dân số trẻ, hội nhập nhanh, ở trong khu vực kinh tế năng động, gia nhập nhiều sân chơi toàn cầu với xu hướng tự do hóa cao độ…

Đổi mới dịch vụ công, chi tiêu công: Dễ người nhưng khó ta! - 1

Tuy nhiên, với những con người cũ, cách thức quản lý cũ thì việc chuyển đổi sang Nhà nước kiến tạo, phát triển không phải là ngày một, ngày hai.

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội nêu thực tế: Hiện 2/3 dịch vụ công của Việt Nam được cung ứng bởi Nhà nước, cơ quan thuộc Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là chủ yếu. Trong khi đó, rất nhiều dịch vụ công cần được xã hội hóa, đầu tư tư nhân lại không có.

Nhiều dịch vụ công không cần nhà nước tham gia lại là lãnh địa chỉ dành cho cơ quan nhà nước. Việt Nam có thời gian dài cải cách nhưng đến nay chúng ta vẫn chậm chân so với các nước trong khu vực, biểu hiện lớn nhất là thời gian nộp thuế, hải quan, thủ tục hành chính và tiếp cận đất đai…của người dân, doanh nghiệp vẫn rất khó, nếu không nói là vô vàn nhiêu khê.

Theo ông Sơn, Việt Nam đã ký các công ước gia nhập kinh tế quốc tế rồi, phải thay đổi hình ảnh. "Tôi được biết, Việt Nam vô địch về hội nhập nhưng lại đứng áp chót về bảng thành tích cải cách quản lý công và dịch vụ công. Đây là điều đáng suy nghĩ!", ông Sơn trăn trở.

Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam đã thực hiện năm thứ hai nhưng đến nay vẫn khá rối bời, chưa đâu vào đâu.

“Chính phủ, bộ ngành và các cơ quan cao cấp quyết tâm, ra rất nhiều chính sách, chủ trương, tổ chức rất nhiều hội thảo lấy kinh nghiệm của chuyên gia quốc tế, học giả khu vực. Họ trình bày rất nhiều, nói rất nhiều mô hình và bài học dễ dàng chuyển đổi đất nước thành công từ mô hình quản lý cũ sang Nhà nước kiến tạo, phát triển. Tuy nhiên, dễ người nhưng lại khó ta. Chúng ta đang vướng ở chỗ mà bản thân người Việt không dám làm và không muốn làm đó là thay đổi chính mình và cách hành động của mình”, ông Doanh nói.

Theo GS Adam Fforde, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược kinh tế ĐH Victoria (Úc), Việt Nam đang nỗ lực cải cách kinh tế và đổi mới bộ máy quản lý. Việt Nam đã và đang tham gia vào sân chơi, nơi có luật chơi và cách thức chơi mang tính toàn cầu. Điều quan trọng lúc này là cách chơi và người chơi như thế nào. Cùng sân đó, nhưng Việt Nam có "đá tốt", có thắng hay không lại là chuyện khác. 

Vị GS Úc nói thêm, khái niệm nhà nước kiến tạo, phát triển và cung ứng dịch vụ công đã được nhiều nước thực hiện rất thành công, điển hình như Úc, Đức hay Israel… 

Theo nhiều chuyên gia tại hội thảo quốc tế, vấn đề đặt ra là hội nhập sâu nhưng khả năng cạnh tranh nền kinh tế không theo kịp. Vì thế, yêu cầu bức thiết là không chỉ doanh nghiệp, mà ở điều hành cấp quốc gia, cấp địa phương cũng cần thay đổi, hội nhập phải đi liền với đổi mới. Đổi mới sáng tạo dịch vụ công chính là quá trình chuyển đổi dịch vụ công theo hướng ứng dụng thị trường (xã hội hóa) kết hợp vai trò điều tiết của nhà nước (thông qua đặt hàng/mua dịch vụ) và sự tham gia có trách nhiệm của khu vực tư. Một khi chúng ta bớt được các nhiệm vụ, công đoạn, Nhà nước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính. Từ đó chi tiêu công  sẽ giảm đi và chúng ta có thể đáp ứng được các cam kết quốc tế.

Nguyễn Tuyền

Đổi mới dịch vụ công, chi tiêu công: Dễ người nhưng khó ta! - 2