Doanh thu TMĐT có thể chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025

Huỳnh Anh

(Dân trí) - PGS.TS Trần Minh Tuấn cho biết, xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là có thể đạt được.

Thương mại điện tử là động lực chính để phát triển kinh tế số

Tại tọa đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" diễn ra ngày 14/8, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho rằng thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số.

Cụ thể, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19.

"Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này", ông Tuấn nói.

Doanh thu TMĐT có thể chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 - 1

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ tại tọa đàm.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận rằng chưa bao giờ nền kinh tế số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

Theo ông Thành, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Chuyên gia cho rằng điều này cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.

"Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước", ông Thành nói.

Cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đánh giá rằng việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý vì "màu hồng" nào cũng đi liền với chính sách.

Theo ông Thành, trong quá trình phát triển, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp và đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.

"Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng", ông nói.

Doanh thu TMĐT có thể chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 - 2

TS Võ Trí Thành và bà Lại Việt Anh trao đổi về cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực thương mại điện tử (Ảnh: VGP).

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhận định việc hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu thương mại điện tử đạt hơn 11 tỷ USD vào năm 2027 là một bài toán đường dài. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử cũng như từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh rằng hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Để hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu, cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững.

Chính vì vậy, thương mại điện tử nên ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho những yêu cầu về truy xuất hàng hóa; áp dụng số hóa vào chuỗi quy trình sản xuất, chuỗi giá trị, từ đó có thể đảm bảo những quy định về bảo vệ môi trường, chống rác thải...